Đây là thách thức và cũng là cơ hội khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
*Từ thực tế các nướcIPOS là cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ Singapore trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng quản lý hệ thống sở hữu trí tuệ, thúc đẩy việc khai thác tài sản trí tuệ, xây dựng năng lực và phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ của Singapore nhằm hỗ trợ hiệu quả việc tạo lập, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ. Trong chiến lược phát triển kinh tế, Singapore định hướng là trung tâm kinh tế của Châu Á, vì vậy trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ IPOS đặt ra tầm nhìn trở thành trung tâm sở hữu trí tuệ của Châu Á. IPOS được tổ chức theo mô hình các Khối (Group), trong Khối có các Ban (Department) và bộ phận hỗ trợ (Trung tâm, Viện). Hoạt động IPOS ngoài việc thực hiện tạo lập, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ, IPOS rất chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, cơ chế thu hút người giỏi, tổ chức và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng thuận lợi nhằm góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, cung cấp các dịch vụ đa dạng về sở hữu trí tuệ phục vụ cho cộng đồng.
Cơ quan sở hữu trí tuệ Malaysia (MyIPO) trực thuộc Bộ Thương mại và Tiêu dùng nội địa. MyIPO thiết lập tầm nhìn trở thành một trong những tổ chức sở hữu trí tuệ hàng đầu trên thế giới, có nhiệm vụ cung cấp khung pháp lý mạnh và chế độ quản trị hiệu quả để thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ. MyIPO được tổ chức gồm các phòng (Division) và bộ phận (unit). Malaysia xây dựng chính sách hỗ trợ thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ nên rất chú trọng vào việc xây dựng giáo trình đào tạo về định giá tài sản trí tuệ với mục đích đảm bảo việc đào tạo và đánh giá kỹ năng có thể được triển khai trong nước theo cách thức có hệ thống, có phương pháp và hiệu quả.Thiết lập Quỹ tài chính sở hữu trí tuệ nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ để dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn vốn nhằm thương mại hóa tài sản trí tuệ của họ.
Đối với Thái Lan, cơ quan sở hữu trí tuệ (DIP) trực thuộc Bộ Thương mại. DIP đặt ra tầm nhìn và nhiệm vụ là đạt được thành tựu xuất sắc trong việc bảo hộ và thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ. DIP chú trọng thực hiện bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ trong và ngoài nước, thúc đẩy tri thức, sự sáng tạo và khai thác thương mại các tài sản trí tuệ. DIP được tổ chức theo mô hình các Phòng (Office) và các Trung tâm, trong Phòng có các nhóm (group). DIP tập trung nhiều vào các hoạt động như tăng cường hiệu quả hoạt động xác lập quyền, đẩy mạnh thương mại hóa tài sản trí tuệ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và kinh doanh… nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo giá trị và nghiên cứu triển khai.
Theo các chuyên gia, sự thành công của cơ quan sở hữu trí tuệ các nước cho thấy họ đã xây dựng được chiến lược và chính sách phát triển về sở hữu trí tuệ, có bộ máy phù hợp, đội ngũ cán bộ có năng lực, có nền tảng cơ sở hạ tầng về sở hữu trí tuệ để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra.
*Đến sở hữu trí tuệ Việt NamÔng Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Hệ thống văn bản pháp luật phục vụ công tác xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tuy đã tương đối đầy đủ, nhưng còn phức tạp, chưa thật sự ổn định, vì vậy hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ đang được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và hội nhập. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần được rà soát, sắp xếp, đào tạo, bổ sung để thực hiện thành công chiến lược phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ cũng như thông điệp mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra. Tổ chức bộ máy phải được hoàn thiện theo hướng có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, các tổ chức sự nghiệp được tổ chức ở dạng mở nhằm phát triển chức năng hoạt động khi có nhu cầu của thị trường và xã hội.
Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh”, Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN |
Về công nghệ thông tin phải nghiên cứu kỹ việc áp dụng hệ điều hành phù hợp với đặc điểm riêng của sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm tính hiệu quả, an ninh; đầu tư và xây dựng các chức năng cho hệ thống máy chủ theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng và thống nhất phần mềm ứng dụng quản lý, tác nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ mới, thông minh, thân thiện; mạng LAN và trang Web của Cục Sở hữu trí tuệ phải được nâng cấp theo công nghệ hiện đại; xây dựng và thống nhất cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp đầy đủ và chính xác; xây dựng, quản trị và phát triển xa lộ thông tin sở hữu công nghiệp, bảo đảm phân luồng, vận hành xa lộ thông tin sở hữu công nghiệp chủ động, dữ liệu về sở hữu công nghiệp chính xác và đầy đủ. Thông tin sở hữu công nghiệp phải được đa dạng hóa các sản phẩm thông tin sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng cho mọi đối tượng và p hát triển hệ thống quản trị , đồng thời bảo đảm khả năng kết nối các cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp của Việt Nam với các cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp của nước ngoài để phục vụ cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, sở hữu trí tuệ cần chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa, sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ. Mục tiêu, đến năm 2020, thông tin sở hữu trí tuệ phải quen thuộc với người dân, toàn xã hội ý thức được rằng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là cái gốc để phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Cục sở hữu trí tuệ phải nâng cao năng lực để khi xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được kịp thời, chính xác và tránh những sai sót làm thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đối với cán bộ quản lý có đủ năng lực hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn có thể tự mình tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ cho việc làm đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và hoạt động kinh doanh của mình một cách chủ động và tránh việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác và những thiệt hại không đáng có.
* Hướng tới vị trí thứ 2
Theo các nhà nghiên cứu về sự phát triển sở hữu trí tuệ của các nước ASEAN, để đánh giá và xếp hạng thì chỉ số phát triển sở hữu trí tuệ được xem xét bởi các tiêu chí như quy mô về tổ chức và hoạt động của cơ quan sở hữu trí tuệ, số lượng tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hiệu suất xử lý đơn, hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho thủ tục xác lập quyền và đầu tư nước ngoài, tổng ngân sách cho hoạt động sở hữu trí tuệ, tỷ lệ số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp so với GDP, số lượng đơn nộp vào ASEAN…, đặc biệt là đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế trong nước vì đây là đối tượng phản ánh năng lực công nghệ bản địa, là cơ sở cho việc hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Thống kê của Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy, đơn và văn bằng bảo hộ đối với sáng chế của người Việt Nam đang nằm ở tốp dưới ASEAN, điều đó chứng tỏ năng lực khoa học và công nghệ của Việt Nam còn thấp. Vì vậy Việt Nam muốn có số lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng và nằm ở vị trí trong tốp đầu của ASEAN thì phải có điều kiện và môi trường cho hoạt động sáng tạo đó là cơ sở hạ tầng về sở hữu trí tuệ và chính sách kích thích hoạt động sáng tạo có hiệu quả, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các kết quả nghiên cứu nhằm tránh việc nghiên cứu trùng lặp, đầu tư dàn trải và các đề tài nghiên cứu triển khai theo kiểu hàn lâm mà không gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Muốn rút ngắn thời gian để đạt mục tiêu nêu trên, chúng ta phải xác định cho được nội hàm chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 và 2030 và được cụ thể hóa bằng kế hoạch của từng giai đoạn nhằm giải quyết có hiệu quả mục tiêu đề ra.
Để hướng tới mục tiêu vị trí thứ 2 trong ASEAN, Cục Sở hữu trí tuệ khẩn trương nâng cao năng lực, hoàn thành các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm nhằm tạo ra một nền tảng cơ bản để hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành đạt yêu cầu đề ra. Nếu đạt được các mục tiêu và có nền tảng cơ sở hạ tầng về sở hữu trí tuệ vững chắc thì việc tiếp cận vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về sở hữu trí tuệ là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, việc vươn lên vị trí thứ 2 không thể một sớm một chiều mà cần sự nỗ lực không chỉ của Cục Sở hữu trí tuệ mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống.