Siêu thị, cửa hàng tiện lợi chiếm ưu thế

Theo thống kê của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu do tình hình kinh tế khó khăn, thế nhưng sức mua tại các siêu thị vẫn tăng từ 10 -20% so với cùng kỳ; trong khi đó, mãi lực tiêu dùng tại các chợ truyền thống lại giảm mạnh do hệ thống hạ tầng ngày càng xuống cấp. Đây chính là lợi thế cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở rộng và phát triển.

 

Sức mua chợ truyền thống giảm


Thực tế cho thấy, nhiều năm qua các khu chợ truyền thống tại TP.HCM không được nâng cấp, sửa chữa. Phần lớn hệ thống hạ tầng của các chợ đều bị hư hỏng nặng, vào những mùa nắng nóng mùi hôi thối từ cống bốc lên nồng nặc; còn vào mùa mưa thì bị ngập nặng như chợ Bà Chiểu, Tân Định (Q.3), Bình Triệu (Q.Thủ Đức), Lò Than (Q.8), chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), chợ Phú Nhuận (Q. Phú Nhuận)…


 

Người tiêu dùng thích đi siêu thị, cửa hàng hơn vì tiện lợi, an toàn thực phẩm và có các chương trình khuyến mãi sâu.

 

Ghi nhận tình hình kinh doanh tại các chợ ở TP.HCM cho thấy, rất nhiều sạp hàng khá thưa thớt người mua. Đặc biệt là sau 10 giờ sáng, hầu hết các chợ đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Một tiểu thương bán vải tại chợ Tân Định cho biết, thực tế lượng khách đã bắt đầu giảm mạnh từ năm ngoái. Một phần do kinh tế khó khăn người dân thắt chặt chi tiêu, phần khác do chợ xuống cấp nên người tiêu dùng cũng không mặn mà vào chợ. Chưa kể, chợ “cóc”, chợ “chồm hổm” cạnh tranh giành khách bên ngoài… Ðại diện Ban Quản lý chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cũng cho hay, sức mua của chợ giảm mạnh 30-40%. Theo đó, trong số 28 sạp buôn bán ngành hàng rau, cá, đậu hũ... được Ban Quản lý cho thuê lại với giá 60.000-180.000 đồng/tháng, đã có 12 sạp xin ngưng hẳn và trả lại mặt bằng. Chỉ có các sạp bán đồ tiêu dùng thiết yếu, mỹ phẩm, quần áo là còn khách lui tới.


Thừa nhận tình trạng này, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, với hơn 240 chợ truyền thống đang hoạt động, chỉ còn khoảng 34% chợ là đảm bảo hoạt động tốt, còn lại các chợ đều đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Trước tình hình trên, nhiều tiểu thương buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng do sức mua tại các chợ thời gian gần đây ngày càng sụt giảm, người tiêu dùng ngán ngẩm quay lưng. Hiện sức mua ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố giảm khoảng 10% so với cùng kỳ.

 

Sẽ phát triển mạnh siêu thị, cửa hàng tiện lợi


Ngược lại với chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) lại được người tiêu dùng ưa chuộng do mức độ tiện lợi, sạch đẹp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, do có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên các chợ hiện đại đã kích cầu được nhu cầu mua sắm.


Sở Công Thương TP.HCM cho hay, năm 2015 sẽ phát triển thêm 77 siêu thị, gần 100 TTTM, nâng tổng số lên 240 siêu thị, 122 TTTM. Bên cạnh đó, Sở cũng phát triển 360 cửa hàng tiện ích của các đơn vị như Co.opfood, Satrafood, Foodcomart, Vissan, G7Mart, Minimart, Citimart... Dự kiến đến năm 2015, thành phố sẽ phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích lên 562 cửa hàng. Theo bà Lê Ngọc Đào, loại hình này đang phát triển nhanh chóng tại các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp nhằm góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.


Thực tế từ năm 2011 đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục đầu tư các chuỗi cửa hàng, siêu thị hiện đại tại Việt Nam như Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản); E-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc; Crescent Mall - tập đoàn Dairy Farm của Hồng Kông, Metro Cash & Carry - tập đoàn hàng đầu của Đức… Hầu hết, các tập đoàn này cho biết từ nay đến 2020 sẽ thiết lập xây dựng hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng trên cả nước.


Theo nhận định của các chuyên gia, dù tình hình kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn, nhưng thị trường bán lẻ vẫn rất tiềm năng do tổng giá trị hàng hóa phân phối qua kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, TTTM hiện chỉ mới chiếm 20% tổng giá trị của thị trường. Chính vì vậy, việc các nhà bán lẻ đổ vào Việt Nam và xây dựng hệ thống bán lẻ đến nay vẫn diễn ra rất mạnh mẽ và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Điều này không chỉ giúp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng sức cạnh tranh mà còn giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Bởi các siêu thị, cửa hàng muốn phát triển mạnh thì họ phải khai thác các nguồn hàng và đặt hàng nhà sản xuất. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước, nhất là hàng nông sản, thực phẩm.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, khi hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh thì các cửa hàng truyền thống ngày càng điêu đứng do chịu sự cạnh tranh mạnh. Chính vì vậy, cuối tháng 5 vừa qua UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Công Thương đề ra các giải pháp quản lý hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố, nâng cấp hệ thống thương mại từ nay đến năm 2015. Theo đó, sẽ có 248 chợ, trong đó phát triển thêm 5 chợ, giải tỏa di dời và chuyển công năng 37 chợ. Đồng thời, lên kế hoạch xây dựng thương hiệu chợ an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đưa hàng sản xuất trong nước có thương hiệu uy tín vào chợ truyền thống, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm tại chợ.


Bài và ảnh: Hải Yên

Siêu thị điện máy: Thu hẹp ở thành phố, mở rộng về nông thôn
Siêu thị điện máy: Thu hẹp ở thành phố, mở rộng về nông thôn

Sau khi chuỗi cửa hàng điện máy Thế giới số 24G buộc phải dừng hoạt động, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã khai trương 6 siêu thị điện máy khác tại 6 tỉnh, thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN