Việc cạnh tranh giảm giá bán không chỉ làm giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành hàng mà còn là nguyên nhân dẫn đến các mặt hàng XK của Việt Nam rất dễ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng tình trạng “phá rào” giảm giá vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Với cả mặt hàng gạo và cá tra, để ngăn ngừa tình trạng giảm giá bán để cạnh tranh XK, cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã quy định giá sàn xuất khẩu. Nhưng chuyện hiệp hội quy định một đằng, DN chào bán một nẻo đã không còn xa lạ gì với thị trường XK gạo và cá tra Việt Nam.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM).Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Theo một chuyên gia ngành nông nghiệp, việc bán dưới giá sàn vẫn diễn ra vì có quy định về giá sàn nhưng lại thiếu những quy định, chế tài, xử lý thế nào đối với các DN tự ý chào bán dưới giá sàn. Chính việc quy định giá sàn XK nhưng buông lỏng quản lý, không có chế tài mạnh là những nguyên nhân làm tình trạng DN hạ giá chào XK diễn ra nhiều.
Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hùng Dũng cho biết: “Để giảm bớt những hậu quả của việc cạnh tranh về giá gây ra, VASEP cũng đã đưa ra quy định về giá sàn XK đối với mặt hàng cá tra. Trước đây, VASEP đã nhiều lần đưa ra giá sàn với sự đồng thuận của DN, nhưng không thực hiện được là vì thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thực thi sự đồng thuận, cũng như thiếu chế tài xử lý. Nếu chỉ VASEP vào cuộc, thì sẽ không thể thực thi được giá sàn, vì VASEP không có quyền cấm DN xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu Bộ NN&PTNT có công văn phối hợp với hải quan, yêu cầu không thông quan những đơn hàng xuất khẩu cá tra dưới giá sàn, thì chắc chắn giá sàn XK sẽ có hiệu lực”.
Ông Dũng cũng khẳng định, việc cơ quan quản lý đứng ra cấm XK các lô hàng dưới giá sàn không vi phạm các quy định về luật pháp trong nước, cũng như các cam kết quốc tế. Bởi đây không phải Nhà nước đứng ra ấn định giá, mà là DN đồng thuận giá sàn và yêu cầu Nhà nước có biện pháp giám sát, giúp đỡ DN thực hiện sự đồng thuận đó. Theo quy định, nếu Nhà nước hỗ trợ DN đẩy giá XK xuống thấp, thì mới bị kiện về thuế chống trợ cấp, còn nếu hỗ trợ DN đẩy giá hàng XK lên thì không hề vi phạm.
Cùng với quy định về giá sàn, với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã quy định chỉ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo cho DN có đủ điều kiện về kho chứa, cơ sở xay, xát lúa gạo. Theo Bộ Công Thương, việc có quá nhiều thương nhân XK gạo là một bất cập. Thái Lan, nước XK gạo số 1 thế giới chỉ có dưới 20 đầu mối. Còn Inđônêxia, một trong những nước XK cà phê lớn trên thế giới cũng chỉ có vài chục DN. Và Na Uy, quốc gia XK cá hồi số 1 thế giới cũng quy định rất nghiêm ngặt, chỉ có DN trong hiệp hội ngành nghề mới được quyền XK. Theo các chuyên gia, hạn chế đầu mối XK nông sản có nhiều điểm lợi. Đầu tiên, giảm được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, qua đó thiết lập lại trật tự trong XK nông sản. Ngoài ra, còn giảm được các đầu mối kinh doanh kém hiệu quả, thiếu tâm huyết, không có sự đầu tư bài bản lâu dài. Cuối cùng, quan trọng nhất là khi có ít đầu mối XK, các DN dễ ngồi lại với nhau, thống nhất về giá mua, giá bán, tránh được sự chèn ép và thua thiệt trên thương trường quốc tế. Nhờ vậy, giữ được thương hiệu cho nông sản Việt.
Lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL cũng đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương bổ sung những quy định chế tài đối với 100 DN vừa được cấp phép tham gia XK gạo trong thời hạn 5 năm. Theo đó, nên quy định các DN khi tham gia XK gạo phải có năng lực như xuất từ 10.000 tấn/năm trở lên; đầu tư bao tiêu “cánh đồng mẫu lớn” từ 5.000 ha trở lên, đây được xem là trách nhiệm của DN đối với nông dân và nền sản xuất lúa gạo bền vững. Một khi các DN đồng loạt tham gia “cánh đồng mẫu lớn” thì việc trồng giống lúa gì, vụ nào, bán ở đâu, giá bao nhiêu… sẽ được giải quyết ổn thỏa. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch về thương nhân XK gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nhiều hiệp hội ngành hàng cà phê, điều, cá tra… cũng đã nêu vấn đề kinh doanh có điều kiện để ngăn ngừa hiện tượng DN bán hàng chất lượng thấp, gian lận các chỉ tiêu về chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của mặt hàng nông sản XK và uy tín của DN khác.
Thu Hường