Hiện nay, trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) nông sản, thủy sản thay vì cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu thì các doanh nghiệp đua nhau cạnh tranh về giá bán. Phương thức cạnh tranh như vậy không chỉ dẫn đến lợi nhuận của người sản xuất, doanh nghiệp (DN) bị sụt giảm mà phần thiệt lớn nhất là nền kinh tế nông nghiệp đầy tiềm năng và chiếm tỉ lệ lao động lớn nhất bị kìm hãm sự phát triển.
Đua nhau phá giá
Hiện nay, cá tra đã trở thành một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực của nước ta, chỉ đứng sau mặt hàng tôm. Qua 12 năm (2000 - 2012), diện tích nuôi cá đã tăng từ 1.200 ha năm 2000 lên 5.600 ha năm 2012; tuơng ứng sản lượng tăng từ 37.500 tấn lên 1,3 triệu tấn và giá trị XK từ 40 triệu USD lên 1,74 tỷ USD.
Dây chuyền chế biến cá tra của Công ty cổ phần Thủy sản Bình An. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Sự phát triển nhảy vọt của ngành hàng cá tra là do hội tụ nhiều yếu tố, từ các lợi thế của điều kiện tự nhiên ưu đãi cho nghề nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến sự sáng tạo, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi; sự năng động của các DN chế biến XK trong tiếp cận và đa dạng hóa thị trường; sự hỗ trợ từ một số chính sách của Nhà nước, địa phương và cơ quan quản lý ngành... Tuy nhiên, trong vòng vài năm trở lại đây, nghề nuôi, chế biến và XK cá tra ở khu vực ĐBSCL xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn như: diện tích và sản lượng sụt giảm, mất cân đối cung cầu, khả năng cạnh tranh sản phẩm yếu, giá cả không ổn định, cạnh tranh không lành mạnh...
Những năm trước đây, khi số DN tham gia XK cá tra còn ít thì giá bán ở mức khá tốt. Tuy nhiên, khi số DN tham gia XK cá tra tăng vọt lên tới hàng trăm DN thì giá cá tra XK lại theo hướng giảm xuống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá XK giảm như hiện nay chính là do các DN sản xuất và XK cá tra đã đua nhau chào bán phá giá lẫn nhau để giành mối hàng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo, giá cá tra xuất khẩu phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi. Nhưng do tranh giành khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã chào bán với mức giá chỉ 1,8 - 2,3 USD/kg. Chính điều này đã kéo theo giá cá nguyên liệu trong nước và lợi nhuận của ngành cá tra liên tục sụt giảm.
Lợi nhuận sụt giảm
Tình trạng cạnh tranh giảm giá bán cũng diễn ra đáng báo động đối với mặt hàng gạo. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quý 1/2013, XK gạo của Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá trên 616 triệu USD, tăng trên 34% về lượng nhưng lại giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ. Theo nhận định của các chuyên gia, giá trị XK gạo giảm đã phản ánh đúng thực tế việc DN hạ giá XK để giành hợp đồng trong những tháng đầu năm nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính tới cuối tháng 3, Việt Nam đã ký hợp đồng XK khoảng 3,5 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá ký trong các hợp đồng thấp kỷ lục khiến giá thu mua lúa, gạo trong nước do đó cũng giảm theo. “Nhiều nhà XK chỉ tính lãi 10 - 20 đồng mỗi tấn gạo nên sẵn sàng ký hợp đồng giá thấp. Mà nhiều người ký thấp sẽ tạo ra mặt bằng giá chung, các nhà nhập khẩu lớn nhìn vào đấy để mặc cả khi đàm phán. DN XK lúc này có muốn tăng giá bán cũng khó thực hiện được”, một chuyên gia nông nghiệp cho biết.
Để ngăn chặn tình trạng giảm giá bán một cách vô tội vạ, VFA đã quy định về giá sàn XK để kiểm soát việc cạnh tranh giảm giá bán gạo. Đối với vụ đông xuân năm nay, giá sàn áp dụng đối với gạo 5% tấm là 410 USD/tấn và 365 USD/tấn đối với gạo 35% tấm. Tuy nhiên, bất chấp quy định về giá sàn, các DN vẫn ký hợp đồng XK với mức giá thấp hơn miễn là bán được hàng. Bộ Công Thương cũng thừa nhận giá gạo 5% tấm hiện ở mức 395 USD/tấn, thấp hơn 40-50 USD/tấn so với Ấn Độ, Pakixtan. So với cùng kỳ năm 2012, giá gạo bình quân giảm 44,5 USD/tấn.
Do cạnh tranh về giá bán nên lợi nhuận của ngành sản xuất lúa gạo cũng ngày càng sụt giảm. Theo những người nông dân ở ĐBSCL, những năm 2006, giá lúa thấp hơn hiện nay nhưng lợi nhuận của người trồng lúa vẫn đạt 70%. Nhưng ở vụ đông xuân vừa qua, mặc dù Nhà nước đã quyết định cho thu mua tạm trữ lúa gạo để cứu giá lúa nhưng lợi nhuận của bà con nông dân thậm chí không đạt được mức 30% như mục tiêu đặt ra.
Thu Hường