Hiện nay, cả nước có 56 trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ (trạm thu phí BOT) thuộc các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đang khai thác.
Trạm BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Với chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra hoạt động các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các dự án BOT.
Thông qua các đợt kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy quy trình vận hành và hoạt động của trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ còn tồn tại khả năng làm ảnh hưởng đến sự chính xác của báo cáo doanh thu. Cụ thể là, sai lệch lưu lượng xe, loại xe, mệnh giá vé, xoay vòng vé; dữ liệu báo cáo thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ có thể bị can thiệp bởi con người và phần mềm.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước chưa có cơ sở để đối chiếu xác minh báo cáo doanh thu của nhà đầu tư; hình thức xác minh đối chiếu duy nhất hiện nay là khảo sát trực tiếp và kiểm tra hệ thống ghi hình camera tại trạm. Do đó, cần có một hệ thống xử lý dữ liệu tự động để giám sát thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, vận hành độc lập với các hệ thống quản lý, thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các nhà đầu tư BOT.
Cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ (lưu lượng, chủng loại xe,...) sẽ được truyền từ các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT về trung tâm giám sát để giám sát, quản lý công tác thu phí.
Theo Quyết định số 2777/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công tác theo dõi, kiểm tra doanh thu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ. Công tác tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình.
Do đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phải có hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ để kiểm soát chặt chẽ thời gian hoàn vốn của dự án. Đồng thời, minh bạch hóa doanh thu, chi phí của dự án để cơ quản quản lý nhà nước chủ động trong việc quản lý và cung cấp đầy đủ thông tin tới người dân để cùng tham gia giám sát với cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, hệ thống có khả năng mở rộng tích hợp với các hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý tải trọng xe, quản lý lưu lượng phương tiện,... trên các tuyến đường này.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án xây dựng hệ thống phần mềm quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với các dự án đầu tư theo hình thức công tư.
Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ để thực hiện dự án với kinh phí đầu tư ban đầu 12,9 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí duy trì hàng năm 4,2 tỷ đồng; tiến độ triển khai dự án dự kiến tháng 7/2017.