Chiến lược kinh tế hoá ngành đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) từng bước triển khai. Chiến lược nhằm hướng tới hai mục tiêu cơ bản: Thứ nhất là sử dụng tài nguyên hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế quốc gia và thứ hai là bảo vệ tốt môi trường.
Xung quanh nội dung chiến lược, phóng viên (PV) báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên:
Thưa Bộ trưởng, Chiến lược kinh tế hóa ngành đã được Bộ TN&MT khởi động hơn 1 năm nhưng khái niệm "kinh tế hóa" ngành vẫn còn khá mới đối với xã hội nói chung và người quan tâm nói riêng. Xin Bộ trưởng cho biết cơ sở những nét chính của Chiến lược này?
Trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta mới thấy, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể là các yếu tố thị trường và các loại thị trường về TN&MT hình thành, phát triển chậm, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Tài nguyên chưa được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng. Vai trò và giá trị của tài nguyên chưa được nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng tầm và phù hợp với các nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường.
Thứ hai là công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xem là thước đo hiệu quả tính bền vững của các hoạt động kinh tế. Thể chế, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chậm được đổi mới, còn nặng tính hành chính, bao cấp, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao.
Mô hình nhà cao tầng sử dụng tài nguyên hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Thứ ba là đóng góp của ngành TN&MT cho thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn tài nguyên còn bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, môi trường nhiều nơi bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả, tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát…
Nguyên nhân là do chậm đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; chưa xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cải cách hành chính cũng chậm và kém hiệu quả. Đồng thời, chưa có chính sách và giải pháp đủ mạnh để huy động và sử dụng tốt nhất các nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, thúc đẩy ngành TN&MT phát triển nhanh, bền vững, nâng tầm và vị thế của ngành trong nền kinh tế quốc dân, tăng đóng góp của ngành TN&MT cho thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT đã ban hành Nghị quyết số 27 về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT.
Cho đến nay, chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT được quán triệt trong ngành TN&MT, đồng thời Ban cán sự Đảng của Bộ đã có văn bản gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương để giới thiệu và để các cấp ủy Đảng tiếp sức với Bộ TN&MT thực hiện lồng ghép một số vấn đề về TN&MT, trong đó có nội dung đẩy mạnh kinh tế hóa ngành vào nội dung Đại hội Đảng các cấp và chương trình hành động của các tỉnh, thành phố. Hiện nay, ngành TN&MT đang tích cực triển khai kế hoạch hành động trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
Vậy đâu là những điểm Bộ TN&MT xác định làm khâu đột phá để chương trình kinh tế hoá ngành thành công, thưa Bộ trưởng?
Nghị quyết số 27 của Bộ xác định: con người là trung tâm, nhân tố quyết định của quá trình đẩy mạnh kinh tế hoá ngành TN&MT. Do đó, trong những năm tới, cùng với triển khai các kế hoạch trong Nghị quyết, Bộ sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nội dung cụ thể trong Chiến lược sẽ được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng cơ cấu, định mức sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả kinh tế cao. Để làm được việc đó, phải bắt tay vào rà soát hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động như điều tra, lập hồ sơ địa chính, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, định giá đất, lập quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hoàn thiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất.
Phát triển quỹ đất để phục vụ mục tiêu công ích, thúc đẩy thị trường bất động sản. Phát triển dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu dự báo về biến động đất đai, thị trường, giá cả đất đai; nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các cơ chế thu ngân sách từ đất đai. Phát triển thị trường quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hướng mở rộng sự tham gia của các đối tượng và phù hợp với cơ chế thị trường. Xây dựng đề án thương mại hoá thông tin, dữ liệu về đất đai.
Thứ hai, xác định nước là loại tài nguyên đặc biệt, do đó cần phải xác lập cơ chế cung - cầu, chia sẻ lợi ích phù hợp với kinh tế thị trường; nghiên cứu tạo nguồn thu từ nước để tăng đóng góp ngân sách và tái đầu tư bảo vệ và phát triển tài nguyên nước; tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước; nghiên cứu đề xuất tăng thuế suất tài nguyên nước, sử dụng các loại thuế, phí khác liên quan đến tài nguyên nước để điều tiết vĩ mô hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bền vững. Bộ TN&MT đang triển khai xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo hướng này.
Thứ ba, tài nguyên khoáng sản của quốc gia ngày càng khan hiếm và đang trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt trên phạm vi toàn cầu, cần phải được quản lý, sử dụng theo chế độ đặc biệt phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.
Thứ tư, bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế - xã hội. Trên quan điểm này, Bộ xác lập các nguyên tắc, cơ chế thị trường trong công tác bảo vệ môi trường; thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái, đưa yếu tố môi trường vào giá thành sản phẩm; phát triển nhanh ngành công nghiệp môi trường. Sử dụng các công cụ thuế, phí môi trường để điều tiết vĩ mô các hoạt động kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường.
Cùng với các nội dung cơ bản trên, kinh tế hóa cũng triển khai ở các lĩnh vực như quan trắc khí tượng thuỷ văn; cơ chế phát triển sạch (CDM) trên cơ sở cân đối lợi ích quốc gia; thương mại hoá các sản phẩm, thông tin, số liệu khí tượng thuỷ văn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; nghiên cứu tạo nguồn thu từ hoạt động trên biển và hải đảo để tăng đóng góp cho ngân sách và tái đầu tư tăng cường năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên - môi trường biển và hải đảo...
Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi Luật Tài nguyên nước; nghiên cứu, xây dựng bộ Luật Đất đai, bộ Luật Môi trường, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Khí tượng thủy văn. Và nhất là xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển theo hướng xác lập cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên và môi trường biển đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang trong giai đoạn đầu thực hiện chủ trương kinh tế hóa và được sự hưởng ứng, tiếp sức của nhiều cơ quan trung ương và địa phương, được dư luận đánh giá cao. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi, sẽ còn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở để thực hiện được thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Xin Bộ trưởng cho biết những lợi ích cơ bản đối với quốc gia nếu chủ trương kinh tế hóa ngành thành công?
Nếu thực hiện tốt các chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT như đã nêu ở trên, tôi tin tưởng rằng chỉ sau khoảng từ 5 đến 10 năm, Việt Nam sẽ có một ngành kinh tế - kỹ thuật tổng hợp hoạt động năng động, hiệu quả, hội nhập và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đóng góp của ngành TN&MT cho thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những bước đột phá lớn, góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Xuân Hương (thực hiện)