Thưa ông, tình hình nhập khẩu phế liệu tại Việt Nam thời gian qua còn nhiều tồn tại, phải chăng chính sách pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng nên mới xảy ra tình trạng trên?
Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước khoảng 256 doanh nghiệp. Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại... đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. Để siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật.
Đơn cử như Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018 đã quy định chi tiết hơn về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm... Tuy vậy, chính sách chung vẫn có kẽ hở như chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở. Đó là lý do, khi hàng về cảng, doanh nghiệp nhập khẩu có thể từ bỏ nhận hàng vì nhiều lý do, cơ quan hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu vận chuyển.
Vì vậy, vẫn cần một chế tài xử phạt với chủ tàu hoặc hãng vận tải khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy chủ tàu, hãng vận tải mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở từ nước ngoài trước khi về Việt Nam, tức làm bộ lọc đầu tiên.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. |
Trước tình trạng nhiều container hàng phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng biển có thể gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có những hoạt động gì thưa ông?
Ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng ở các cảng biển của Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, đây là 2 địa bàn trọng điểm, đang có tồn đọng về phế liệu nhập khẩu.Kết quả kiểm tra cho thấy tại cảng biển TP. Hồ Chí Minh đang tồn đọng trên 4500 container phế liệu; tại cảng Hải Phòng khoảng trên 1000 container phế liệu.
Trên cơ sở đó Tổng cục Môi trường đã đề nghị cơ quan Hải quan các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan môi trường và các cơ quan liên quan: rà soát các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang lưu giữ trên địa bàn cảng biển thuộc địa bàn quản lý; thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu khẩn trương đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng; triển khai thông quan nhanh đối với các doanh nghiệp đã có Giấy xác nhận và đã có thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của cơ quan quản lý môi trường.
Đồng thời, rà soát quy trình, rút ngắn thời gian kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu để thông quan; thực hiện giám định, giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định hiện hành, đảm bảo không phát sinh thủ tục hành chính, không kéo dài thời gian và chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp.
Cùng đó, khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định; đơn giản hóa các thủ tục và sớm giao cho các cơ sở có chức năng xử lý chất thải thực hiện tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Tới đây, Tổng cục Môi trường có biện pháp gì để hạn chế tình trạng như hiện nay, tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới, thưa ông?
Giải pháp tổng thể là tập trung rà soát lại các văn bản pháp luật như: các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuât đối với phế liệu nhập khẩu theo hướng chặt chẽ, đảm bảo phế liệu nhập khẩu là phế liệu sạch; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ - TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung. Theo Quyết định số 73/2014/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, có 36 mã số hàng hóa chủ yếu là phế liệu nhựa, thép, giấy được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Thời gian tới, sau khi rà soát và đối chiếu với tình hình thực tế, Tổng cục Môi trường sẽ báo cáo Bộ trưởng để kiến nghị Thủ tướng xem xét, điều chỉnh và tiến tới cấm một số mã hàng như: Mã hàng phế liệu nhựa khác, giấy không phân loại. Đây là 2 nhóm hàng có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, có một số phế liệu trong nước chúng ta đang dư thừa, khuyến cáo các doanh nghiệp tái chế sử dụng trong nước như: Xỉ cát, thạch cao ở các nhà máy nhiệt điện than...
Tổng cục Môi trường sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ trưởng để trình Thủ tướng xem xét sửa đổi điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu theo hướng khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng (tức là phế liệu được biến thành sản phẩm tiêu dùng), hạn chế doanh nghiệp chỉ nhập khẩu về để sơ chế thành nguyên liệu rồi tái xuất; tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu.
Đồng thời, Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp vi phạm. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức sử dụng nguồn phế liệu trong nước của người dân, qua đó, hạn chế phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Trân trọng cảm ơn ông!