Bức tranh giao thông hiện đại đang làm thay đổi vùng sông nước chằng chịt, phì nhiêu của Nam bộ. Đây là nền tảng hạ tầng cho công tác quy hoạch phát triển vùng, phục vụ thiết thực tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Dần khép kín đường bộ Hơn 10 năm trước, giao thông đường bộ ở khu vực này còn rất khó khăn, những bến phà ngang khiến việc đi lại của người dân mất nhiều thời gian. Hàng hóa trong dân khó bán, hoặc bán với giá thấp, bởi mất nhiều chi phí vận chuyển. Nhưng nay từ Tp. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ trong 4 giờ, đi Cà Mau khoảng 8 giờ. Các tuyến giao thông ngang dọc đều kết nối với nhau và Cần Thơ là trung tâm của cả vùng đồng bằng, là đầu mối giao thông tỏa đi các tỉnh, nối liền với nước bạn Campuchia.
Từ sau công trình cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng cách nay 15 năm, các công trình cầu đường khác cũng liên tiếp được đầu tư như cầu Cần Thơ (Quốc lộ 1A), cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên (Quốc lộ 60)... Các công trình này đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian cho các phương tiện giao thông. Hàng hóa nông, thủy sản được vận chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long về các cảng đầu mối ở Tp. Hồ Chí Minh thuận lợi.
Hành khách và các phương tiện giao thông đi phà Cát Lái, Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Hiện tại các công trình cầu Vàm Cống (Quốc lộ 91), cầu Cao Lãnh (tuyến N2) đang đẩy nhanh thi công. Hết năm 2015, hai công trình này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi giao thông khu vực tứ giác Long Xuyên với trung tâm Cần Thơ. Hai bến phà ngang này sẽ ngừng hoạt động, xóa đi ký ức của người dân sông nước Cửu Long về một thời lụy đò.
Tuyến đường cao tốc từ Trung Lương (Tiền Giang) đi Cần Thơ đã được khởi công từ giữa năm 2014 đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, đến 2020 sẽ hoàn thành. Theo đó, thời gian từ Tp. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ sẽ rút ngắn đáng kể.
Trên quốc lộ 60, nối liền hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng còn bến phà Đại Ngải, hiện các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành khảo sát, lập dự án xây dựng cầu Đại Ngải trên cửa Trần Đề - cửa lớn nhất của sông Mê Kông đổ ra biển. Trong tương lai, dự án được đầu tư sẽ mở ra bộ mặt mới cho toàn bộ khu vực phía Đông Nam của đồng bằng phát triển kinh tế.
Tại hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được tổ chức tại Cần Thơ, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, để Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, đầu tư cho giao thông phải đi trước một bước. Với mạng lưới giao thông được đầu tư mạnh như hiện nay, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh. Nhưng về lâu dài cần nâng cấp mở rộng các tuyến đường chính.
Hiện hàng loạt tuyến đường ngang, dọc như Quốc lộ 30, 53, 54, 57, 60, 61, 63, 80… được đầu tư nâng cấp, mở rộng ra hai hoặc bốn làn xe. Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 50.400 km đường bộ, chiếm 86% tổng chiều dài đường bộ của vùng; trong đó, đường huyện, xã có 44.352 km. Đó là một hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn thuận lợi cho phát triển.
Đầu tư giao thông để khai thác tiềm năng Nói về bức tranh giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người dân phấn khởi cho rằng, hệ thống giao thông đang tốt dần lên, nhờ sự đầu tư lớn của nhà nước và nỗ lực huy động nguồn vốn của ngành giao thông vận tải, địa phương.
Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chia sẻ, nhờ sự đầu tư lớn của Chính phủ, vài năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cải thiện rõ nét. Giao thông trên các tuyến quốc lộ chính nối liền các tỉnh đã không còn gián đoạn bởi bến phà ngang. Tuyến tỉnh lộ được các tỉnh nỗ lực tranh thủ nguyền vốn của Chính phủ để đầu tư nâng cấp, mở rộng. Người dân không còn lo lắng về việc khó tiêu thụ hàng hoá.
Cũng theo ông Xuân, trong chiến lược phát triển giao thông đường bộ Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ các tuyến quốc lộ sẽ được nâng cấp, mở rộng. Các bến phà được thay thế bằng những cây cầu hiện đại. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong khu vực đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn nói chung hiện được bố trí từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương, vốn ODA, huy động sức dân, các doanh nghiệp khai thác quỹ đất... Ở đồng bằng sông Cửu Long, dự án nâng cấp 180 km Quốc lộ 1A từ Cần Thơ đi Cà Mau và nâng cấp 182 km Quốc lộ và tỉnh lộ khác thuộc hệ thống giao thông mở rộng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Ngân hàng Thế giới cấp vốn đã được triển khai là một giải pháp khả thi.
Từ năm 2008 dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án WB5) được triển khai trên toàn bộ 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tp. Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư hơn 312 triệu USD. Hợp phần A của dự án tập trung vào việc nâng cấp tiêu chuẩn của đường trục chính kết nối với các tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long gồm khoảng 98 km Quốc lộ thuộc QL53, QL54, QL91. Hợp phần B nâng cấp hành lang đường thủy số 2 (xuyên đồng bằng sông Cửu Long) và hành lang số 3 (ven biển phía Nam). Hợp phần C tập trung nâng cấp các kênh sông, đường bộ kết nối vào đường trục, xây dựng cảng và bến bốc xếp địa phương nhằm kết nối vùng nghèo, vùng sâu với các hành lang giao thông chính.
Theo ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), hai dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91, 53, 54 đã được khởi công xây dựng từ năm 2014, thời gian ngắn nữa sẽ hoàn thành. Quốc lộ 30 đi qua tỉnh Đồng Tháp, nối đến biên giới với Campuchia đã được khởi công từ tháng 5/2015. Riêng tuyến Quốc lộ 60, các đơn vị thuộc Ban đang khảo sát, lập dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe, sau khi các cây cầu trên quốc lộ này được đưa vào sử dụng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nghề sản xuất phù hợp với quy hoạch của tỉnh và vùng. Khó khăn lớn nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thiện, chủ yếu là đường cấp phối, rải đá giăm, khó trong vận chuyển nông, thủy sản.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để khai thác tiềm năng về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, các sản phẩm trái cây, lúa gạo, giao thông luôn là yếu tố quyết định đến giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm. Năm 2014 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã sản xuất gần 200.000 tấn thủy hải sản, khoảng 25 triệu tấn gạo và hàng trăm nghìn tấn trái cây; trong đó, đóng góp 80% sản lượng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của cả nước. Chính vì vậy, phát triển các dự án giao thông để hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ tạo bước đột phá cho các tỉnh khu vực này.