Sáu tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 12 tỷ USD

Sáu tháng đầu năm 2011, ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức như: Thời tiết rét đậm kéo dài ở miền Bắc, mưa ít gây hạn hán trên diện rộng, nước mặn xâm nhập sâu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá cả hàng hóa, vật tư đầu vào đều tăng… nhưng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng so với cùng kỳ.

Sáng 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN


Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, rét đậm rét hại kéo dài đã làm chết gần 100.000 trâu bò và gia súc ăn cỏ; dịch bệnh bùng phát với 3 loại dịch là: Lở mồm long móng, tai xanh và cúm gia cầm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi.

Đặc biệt, do dịch lở mồm long móng kéo dài từ tháng 9/2010 đến nay, 160.000 con trâu, bò đã bị chết, hoặc buộc phải tiêu hủy. Dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh cũng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi lợn do đến thời điểm xuất chuồng nhưng hàng trăm tấn thịt lợn không tiêu thụ được, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, đồng thời làm mất cân đối cung cầu trên thị trường. Cộng với việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi không tăng đã tác động đến việc đầu tư sản xuất, nhiều hộ dân không muốn đẩy mạnh sản xuất.

Đặc biệt, thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm đã làm 52.470 ha tôm bị nhiễm bệnh, chiếm gần 10% diện tích nuôi tôm của các tỉnh ven biển ĐBSCL, thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, mặc dù từ đầu vụ và trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa gặp phải rét lạnh kéo dài ở miền Bắc, mưa ít gây hạn hán trên diện rộng, nước mặn xâm nhập sâu tại các cửa sông, nhưng sản lượng lúa đông xuân năm nay dự kiến đạt 19,74 triệu tấn, tăng 260.000 tấn so với vụ đông xuân 2010, đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, vụ lúa đông xuân ở miền Nam đạt tổng sản lượng 12,54 triệu tấn, tăng 110.000 tấn so với vụ đông xuân 2009.

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 107.000 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 12 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2010.

Giải thích về con số ấn tượng này, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kế hoạch - Bộ NN&PTNT Trang Hiếu Dũng cho biết, có được kết quả trên là nhờ giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng giá và việc tiêu thụ đang rất thuận lợi. Bên cạnh đó, ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản có khối lượng hàng hóa lớn, khó tiêu thụ như: Lúa, gạo, cà phê…

Ông Dũng nêu ví dụ, Chính phủ đã có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho bà con nông dân khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nhằm đảm bảo giữ giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg. Chương trình thu mua đã đạt được mục đích là làm cho giá trên thị trường tăng lên, có lợi cho bà con nông dân.

Chủ động đối phó với thiên tai, dịch bệnh

Mặc dù, trong 6 tháng qua, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tích ấn tượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị, 6 tháng còn lại của năm 2011, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, ngành trồng trọt hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp cộng với lãi suất tăng cao, nên các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất và thực hiện các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, cơn bão số 2 xảy ra tại thời điểm chính vụ thu hoạch lúa đông xuân ở phía Bắc đe dọa trực tiếp đến sản lượng lúa thu hoạch của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc. Ngành chăn nuôi, thủy sản cũng đang phải đối phó với dịch bệnh, thiên tai rình rập.

Trước những thách thức này, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, toàn ngành phải thấy được nguy cơ thời tiết ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường nên dịch bệnh có thể bùng phát mạnh. Đặc biệt là lạm phát ở mức cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nên nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất như: Tăng cường điều tra, dự báo sâu bệnh trong lĩnh vực trồng trọt, dịch bệnh trong chăn nuôi. Phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả ngay từ sớm, không để sâu bệnh, dịch bệnh phát sinh thành dịch lớn, khi nào kiềm chế được dịch bệnh thì mới phục hồi và phát triển sản xuất được.

Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương ngoài việc đánh bắt trên biển và nuôi trồng thì cần theo dõi dịch bệnh, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hiệu quả bằng cách hướng dẫn nhân dân xây dựng các tổ đội ngư dân đoàn kết đánh bắt trên biển. Bộ đã có đề án “Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam” trình Chính phủ để đảm bảo thi hành pháp luật, làm cơ sở để quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN