Sắp khai trương tuyến vận tải container kết nối Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ

Chiều 23/11, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) thông tin, ngày 25/11 tới, VIMC sẽ khai trương tuyến vận tải container kết nối trực tiếp giữa Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Cảng Quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh minh họa: Đức Nghĩa/TTXVN phát

Đại diện VIMC chia sẻ, đại dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khiến cho việc vận chuyển hàng hóa trở nên rất khó khăn. Đặc biệt, khi toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vận chuyển quốc tế bằng đường biển phải phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu vận tải nước ngoài. Số chuyến tàu ghé cảng Việt Nam giảm, lượng vỏ container luân chuyển về Việt Nam cũng giảm, kéo theo giá cước tăng đột biến.

“Hiện nay, các container hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều phải được gom về một số cảng trung chuyển quốc tế trong nước và khu vực Đông Nam Á để chuyên chở trên các tàu mẹ tới các cảng tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Việt Nam chưa mở được các tuyến vận tải container kết nối trực tiếp đến các cảng ngoài khu vực Đông Nam Á”, đại diện VIMC chia sẻ.

Đặc biệt, VIMC cho hay, cước vận chuyển tăng cao ở các tuyến đường dài như tuyến châu Á - châu Âu và châu Á - Bắc Mỹ. Cước vận chuyển hàng hóa tại các tuyến này đã tăng khoảng từ 4 đến 8 lần trong vòng 1 năm, tăng lên đến 20.000 USD/container 40 feet từ mức cước 4.000 USD trước đây và phải chuyển tải tại các cảng Singapor, HongKong (Trung Quốc).

Cũng theo VIMC, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phải tăng thêm nhiều chi phí cho hoạt động logistics; trong đó có chi phí vận tải container bằng đường biển. Thời gian giao hàng cũng bị chậm trễ, kéo dài ảnh hưởng lớn tới các đơn hàng và uy tín doanh nghiệp.

Trước sức ép này, một số nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, gia công hàng hóa tại Việt Nam đứng trước quyết định dịch chuyển bớt một phần dây chuyền sản xuất tới khu vực khác do chi phí nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu thành phẩm tăng cao.

Khó khăn cũng đặt một gánh nặng chi phí rất lớn lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 còn có thể kéo dài. Việt Nam cần có giải pháp chủ động đối với một phần chuỗi cung ứng logistics đó là vận tải container bằng đường biển tuyến xa, chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị chèn ép tăng giá cước của các hãng tàu ngoại.

“Nhận thức vai trò của một doanh nghiệp nòng cốt trong ngành hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã quyết tâm đưa đội tàu vận tải container chuyên dụng của VIMC chạy tuyến kết nối trực tiếp với các cảng ngoài khu vực (không phải kết hợp với các tàu vận tải container của nước ngoài) để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước”, đại diện VIMC nhấn mạnh.

Chia sẻ về cụ thể về tuyến vận tải container kết nối trực tiếp giữa Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ, đại diện VIMC thông tin, ngày 26/10 vừa qua, lần đầu tiên con tàu vận tải container của Việt Nam đã chạy khu vực Malacca qua Ấn Độ Dương để đưa hàng hóa đến Malaysia và Ấn Độ, thị trường xuất nhập hàng hóa, nguyên liệu lớn của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam.

Với hải trình Hải Phòng - Port Klang - Calcutta - Port Klang - SP-ITC và tiếp nhận hàng trung chuyển từ Nhava Sheva tại Port Klang (Malaysia), tuyến dịch vụ này sẽ kết nối trực tiếp hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là cảng TP Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ với thời gian vận chuyển cạnh tranh. Rút ngắn thời gian vận chuyển so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Kelang được hơn 10 ngày so với trước đây.

“Vì vậy, ngày 25/11 tới đây, tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ của VIMC sẽ chính thức được thiết lập. Trên những chuyến tàu của VIMC vươn tới thị trường quốc tế”, đại diện VIMC chia sẻ.

Đại diện VIMC đánh giá, việc mở tuyến vận tải này có ý nghĩa rất lớn,  không chỉ thể hiện là những container hàng hóa mà còn là những sự quyết tâm, những nỗ lực của VIMC để góp một phần cùng các doanh nghiệp Việt Nam tiến tới thị trường toàn cầu, tạo đà cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau thời kỳ đại dịch. Đồng thời đây cũng là tín hiệu rất tích cực cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong tương lai.

Để hoàn thành kế hoạch trên, dự kiến trong năm 2022, VIMC sẽ tiếp tục đầu tư đội tàu container chuyên dụng, trọng tải lớn cùng trang thiết bị hiện đại; nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, phát triển hoàn thiện mô hình quản trị để trở thành hãng tàu vận tải container mang thương hiệu quốc gia.

Quang Toàn (TTXVN)
Giao thông kết nối liên vùng tạo tiền đề cho phát triển hệ thống cảng biển
Giao thông kết nối liên vùng tạo tiền đề cho phát triển hệ thống cảng biển

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò cảng trung chuyển quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN