Sắp diễn ra Kỳ họp lần thứ III của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC 

Ngày 12/7 tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC của Việt Nam (ABAC Việt Nam) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo giới thiệu Kỳ họp lần thứ III của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III).

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: HN/baoquocte.vn

Kỳ họp ABAC III sẽ do Việt Nam đăng cai và VCCI cùng ABAC Việt Nam chủ trì tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 26 - 29/7/2022 tại Khách sạn Hoàng Gia Hạ Long (Royal Ha Long Hotel), thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Nắm bắt. Tham gia. Kiến tạo” (Embrace. Engage. Enable) - với mong muốn nắm bắt những cơ hội khi thế giới đã kết nối trở lại; kiến tạo thông qua hợp tác đưa ra những ý tưởng, sáng kiến và tham gia vào chuyển đổi số, phát triển bao trùm và bền vững.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ họp ABAC III trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó, khẳng định khả năng kiểm soát, khống chế dịch bệnh và là minh chứng cho sự ổn định và điểm sáng tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, góp phần thu hút hiệu quả hơn dòng đầu tư nước ngoài.  

Kỳ họp ABAC III dự kiến sẽ có khoảng 200 đại biểu, đến từ 21 nền kinh tế thành viên như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc… tham dự theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, gồm các thành viên ABAC chính thức, thành viên ABAC dự khuyết, một số quan chức cao cấp APEC, khách mời của ABAC, một số nhà nghiên cứu, diễn giả....

Trong số đại biểu đến Việt Nam, có lãnh đạo của các tập đoàn lớn hàng đầu khu vực và thế giới như Chủ tịch Tập đoàn NEC, Marubeni, UPS, Acer...; đồng thời, còn có lãnh đạo của các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư uy tín và có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Việc đăng cai tổ chức kỳ họp ABAC III sẽ giúp thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò điểm sáng đầu tư quốc tế trong thời kỳ “bình thường mới” với những chính sách đầu tư an toàn, cởi mở, hấp dẫn; kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả và tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong cộng đồng ABAC nói riêng và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) nói chung.  

Cũng tại họp báo, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự hoan nghênh khi Kỳ họp ABAC III đã lựa chọn và tổ chức tại địa phương. Trong chuỗi các hoạt động diễn ra sự kiện, dự kiến sẽ có hội nghị Xúc tiến Đầu tư Quảng Ninh vào chiều ngày 26/7/2022 nhằm quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh và các cơ hội hợp tác của tỉnh với tên gọi “Quảng Ninh 2022: Hội tụ và Lan tỏa”; Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (hướng đến liên kết 4 địa phương dọc theo con đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái, là Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) vào chiều ngày 28/7. 

Với tinh thần cầu thị, Quảng Ninh đã sẵn sàng mọi nguồn lực và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tổ chức các hội nghị, diễn đàn được đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, thực chất và hiệu quả, truyền tải được các tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và đại biểu ABAC III nói riêng.

Tỉnh Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, mặt bằng, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, các điều kiện ưu đãi để thu hút nguồn lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao; cũng như bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, các điều kiện về đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch tốt nhất cho các nhà đầu tư. 

Đại diện các doanh nghiệp tham gia Kỳ họp ABAC III, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) khẳng định, APEC tiếp tục là diễn đàn khu vực có tiếng nói, có vai trò thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác đa phương để các nền kinh tế thành viên cùng vượt qua dịch COVID-19 và phục hồi nhanh chóng, phát triển bền vững. APEC đã đưa ra những biện pháp rất mới, cách tiếp cận mới trong việc phục hồi kinh tế như thúc đẩy nền kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, thúc đẩy tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản thương mại để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tránh bị đứt gãy các chuỗi sản xuất.

Theo đó, có nhiều sáng kiến đã được triển khai đem lại lợi ích vô cùng to lớn và quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể như hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và vượt qua đại dịch, được chia sẻ vaccine, tiếp cận công bằng với vaccine, vật tư y tế và nguồn lực. Hay như việc tăng cường sự đồng bộ và thống nhất để tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, đi lại của người dân,  như các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong khi vẫn bảo đảm an toàn về y tế và sức khỏe. Cũng nhờ vậy mà du lịch, vận tải, hàng không, bán lẻ, thương mại xuyên biên giới dần sôi động trở lại nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, tiêm chủng vaccine, các gói hỗ trợ tài chính… tại nhiều nền kinh tế.

Bên cạnh đó là nhiều sáng kiến khác như thúc đẩy thương mại điện tử, thúc đẩy tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản thương mại để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tránh bị đứt gãy các chuỗi sản xuất; tái kết nối khu vực về con người, thương mại và đầu tư hướng tới xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng, đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm trong tương lai; mở rộng phạm vi thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC); xây dựng cổng thông tin điện tử về đi lại an toàn trong khu vực; các sáng kiến nhằm tăng cường tính tương thích, hướng tới công nhận lẫn nhau các hộ chiếu vaccine; thúc đẩy quá trình phục hồi xanh, thúc đẩy mở rộng thương mại và tạo ra các cơ hội mới.

Những điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay những doanh nghiệp phụ nữ và các nhóm yếu thế khác làm chủ - vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Nếu các sáng kiến có thể xây dựng khả năng và tùy chọn kỹ thuật số có thể giúp mở khóa tiềm năng của các doanh nghiệp sẽ đóng góp quan trọng vào sự phục hồi kinh tế chung. 

"Là một thành viên của ABAC, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào Kỳ họp III của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tổ chức tại Việt Nam năm 2022, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau thảo luận đưa ra các đề xuất thiết thực theo chủ đề để trình lên Diễn đàn APEC và cũng để Chính phủ mỗi nước có các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, mở rộng thương mại điện tử và cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất/cung ứng được kết nối toàn cầu", bà Hương cho biết.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
APEC 2021 đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19
APEC 2021 đề ra lộ trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 tổ chức theo hình thức trực tuyến tối 12/11 (giờ Việt Nam) dưới sự chủ trì của nước chủ nhà New Zealand đã đề ra lộ trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 để đảm bảo châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực kinh tế liên kết và năng động nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN