Theo đó, tất cả các dữ liệu thu phí đường bộ tại các trạm thu phí BOT trên cả nước sẽ được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tại trung tâm này sẽ có các công cụ phân tích các giao dịch bất thường của bất cứ một trạm thu phí nào trên cả nước.
Theo các chuyên gia giao thông, khi đưa Trung tâm giám sát trực tuyến các trạm thu phí BOT vào hoạt động, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có một kênh độc lập giám sát toàn bộ hoạt động thu phí trên cả nước, góp phần minh bạch hóa công tác thu phí.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo về tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ trong năm 2018 tại 57 dự án BOT với 63 trạm, chưa bao gồm các dự án đường cao tốc là hơn 12.192 tỷ đồng.
Trong số 57 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dự án có doanh thu lớn nhất trong năm 2018 là dự án mở rộng Quốc lộ 51 với số thu đạt 730 tỷ đồng. Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đứng thứ hai với doanh thu trên 700 tỷ đồng. Tiếp theo là dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới với 590 tỷ đồng…
Hai dự án có số thu thấp nhất là BOT cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) chỉ 63 tỷ đồng và BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thấp nhất với gần 23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu của 57 dự án BOT giao thông nói trên chưa bao gồm các dự án: đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) và cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Trung Lương.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, thời gian qua cơ quan này vẫn thực hiện giám sát định kỳ, đột xuất doanh thu các trạm BOT bằng cách tổ chức các đoàn giám sát, hoặc kiểm tra xác suất thông qua dữ liệu lưu trữ của trạm thu phí.