Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các loại trái cây tươi mang tính thời vụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thường bị rớt giá, có những thời điểm người nông dân phải bán với giá rất rẻ nhưng vẫn rơi vào cảnh ùn ứ vì đầu ra, nhất là xuất khẩu gặp khó khăn.
Nhận thấy thế mạnh riêng của trái sầu riêng là loại cây chủ lực của Đồng Nai nhưng không phải nước nào của trồng được, ngoài ra, trái sầu riêng còn được cả thị trường nội địa và xuất khẩu rất ưa chuộng. Từ đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng làm dây chuyền sản xuất sầu riêng đông lạnh.
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Hạo Nguyên (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc), 2 năm qua, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền làm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp đang chế biến từ 15 - 20 tấn sầu riêng/ngày và mạnh dạn đầu tư thêm do xuất khẩu trái cây tươi hiện nay gặp rất nhiều rủi ro. Theo nhận định, trong tình hình mới hiện nay, phát triển chế biến khiến doanh nghiệp chủ động hơn về hoạt động sản xuất, trái sầu riêng cũng không lo rơi vào cảnh ùn ứ hàng khi rộ vụ thu hoạch.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến và xuất khẩu đặc sản trái sầu riêng.
Sản phẩm múi sầu riêng đông lạnh đóng hộp của công ty được công nhận 3 sao, đông lạnh hút chân không đạt chuẩn 4 sao. Hiện công ty đang liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ với diện tích 150 ha, sản lượng tiêu thụ hằng năm giao động 8 tấn nguyên liệu và tăng lên trong các vụ tới 10.000 - 15.000 tấn.
Anh Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu han Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng cho biết, sản xuất sầu riêng đông lạnh khác với sầu riêng thường. Sầu riêng đông lạnh phải đầu tư máy móc, dây chuyền, kho bãi nên kinh phí đầu tư cũng rất lớn. Nhưng do đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay nên doanh nghiệp chấp nhận đầu tư xây dựng để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nhằm đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Theo ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây sầu riêng xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, trước đây người dân bán sầu riêng cho thương lái nên giá cả không ổn định, đầu mùa giá có thể cao nhưng đến cuối mùa thì bà con phải bán giá rẻ nên chịu thua lỗ. Năm nay bà con trong tổ hợp tác ký kết với doanh nghiệp thu mua nên giá được ổn định và được đảm bảo đầu ra trước mắt là 200 tấn/năm.
Huyện Cẩm Mỹ có tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 1.400 ha với tổng sản lượng 22.000 tấn/năm, địa phương đã quy hoạch theo từng vùng trồng sầu riêng phù hợp đất đai thổ nhưỡng. Đồng thời, vận động người dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia các hình thức liên kết hợp tác trồng sầu riêng với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hướng đến sản xuất bền vững, hình thành cánh đồng mẫu lớn.
Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục liên kết, vận động nhân dân tham gia liên kết với công ty để tiêu thụ sản phẩm sầu riêng góp phần cùng bà con phát triển cây chủ lực có giá trị kinh tế cao của địa phương. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ cố gắng hỗ trợ công ty liên kết với người nông dân nhằm thu mua hết sản lượng sầu riêng trên địa bàn.
Theo các doanh nghiệp chế biến, hiện nay thị trường tiêu thụ mặt hàng sầu riêng đông lạnh còn rất giàu tiềm năng. Sau khi sơ chế, sản xuất, sản phẩm được đem đi tiêu thụ ở các thị trường như Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan…, hướng tới thị trường các nước châu Âu, Mỹ.