Sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả cao

Để tạo ra những sản phẩm an toàn phục vụ đời sống của người dân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện, mô hình này đang mang giúp nhiều người dân có thêm thu nhập từ trồng rau củ quả và tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. 

Chú thích ảnh
Các hộ dân ở huyện Thiệu Hóa trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap.

Thiệu Hóa là huyện có nhiều diện tích sản xuất rau củ quả lớn, nhưng người dân hay dùng phương thức sản xuất cũ, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không hợp lý, dịch bệnh hay xảy ra nên giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, để tạo ra các sản phẩm an toàn và giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện Thiệu Hóa đã xây dựng các mô hình hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm và các mô hình sản xuất rau, quả an toàn. Đây là hướng đi bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. 

Trong giai đoạn 2015-2019, huyện Thiệu Hóa đã vận động người dân áp dụng khoa học mới vào sản xuất thực phẩm an toàn. Sau đó, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ kiểm tra các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã xuất hiện. Điển hình là mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đang giúp người dân nâng cao thu nhập và cung ứng thực phẩm an tòan cho người dân. 

Tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện đã xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn với diện tích khoảng 25 ha; trong đó, có 16,7 ha đã được công nhận đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu như trước đây người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống thì 1 ha rau màu thu nhập gần 300 triệu đồng/năm nhưng, đến nay, người dân nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn đã cho thu nhập 400 triệu đồng/năm. 

Theo ông Phùng Văn Quyết, tiểu khu 6, thị trấn Thiệu Hóa, những năm trước đây, gia đình ông sản xuất rau màu trên 3 sào ruộng nhưng chưa bao giờ đạt doanh thu 100 triệu đồng/năm. Nguyên nhân là do diện tích sản xuất còn nhỏ, manh mún, kỹ thuật mới còn thiếu nên gặp nhiều khó khăn trong canh tác, trong khi các sản phẩm không tìm được đầu ra, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế. 

Năm 2018, gia đình ông đã tham gia vào Hợp tác xã rau an toàn Vạn Hà, được chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Gia đình ông và một số hộ dân quanh vùng đã trồng rau tập trung theo cánh đồng mẫu lớn. Ông đã nhập các giống cây trồng như su hào, bầu, bí và các loại rau màu về trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.  

Nhờ cố gắng trong sản xuất, đến nay những ruộng rau của gia đình ông đã phát triển tốt và cho những vụ mùa bội thu sản phẩm su hào, bầu, bí và các loại rau. Hiện, các sản phẩm của gia đình ông đang cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch và người dân mua về sử dụng, thu nhập mỗi năm của gia đình ông đạt 100 triệu/năm. 

Không chỉ ông Quyết, anh Lê Tĩnh, tiểu khu 1, thị trấn Thiệu Hóa cho biết, trước đây anh trồng các loại rau quả những hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2018, sau khi được cán bộ nông nghiệp huyện tư vấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, anh đã trồng Dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới và kết hợp trồng thêm các loài rau, quả an toàn như súp lơ, bầu, bí. 

Để cây trồng phát triển tốt, anh đã xây dựng nhà lưới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, anh đã thu hoạch được những vụ mùa ổn định. Hiện, tổng diện tích ruộng trồng các loại rau, củ, quả an toàn của gia đình anh đã mở rộng lên 2.000 m2; trong đó, có 1.500 m2 trồng dưa Kim Hoàng Hậu và 500 m2 trồng các loại rau an toàn. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 500 triệu/năm. 

Theo ông Lê Văn Dung, Phó Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cho biết, năm 2018, ông đã lắp đặt nhà màng đầu tiên để sản xuất rau, củ, quả sạch với diện tích 1.300 m2, chủ yếu trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Nhờ áp dụng đúng quy trình công nghệ mới trong sản xuất, sau 3 tháng gia đình ông đã thu lời 70 triệu. Ngoài ra, ông Dung còn trồng các loại cây như cà chua, bắp cải theo chuẩn VietGAP, tổng thu nhập của gia đình ông khoảng 200 triệu/năm. 

Cũng theo ông Dung, từ khi tham gia đăng ký sản xuất rau an toàn, đời sống bà con đã ổn định hơn. Việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng, đúng quy trình về an toàn thực phẩm, nhiều loại rau, củ, quả được các siêu thị, thương lái tới tận nơi thu mua và được hợp tác xã ký bao tiêu sản phẩm với một số công ty trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. 

Theo thống kê của UBND huyện Thiệu Hóa, tính từ năm 2014 tới nay, mô hình rau, củ quả an toàn cho thu nhập ổn định 300-400 triệu/ha/năm. Huyện đã có 10 vùng  sản xuất rau, củ, quả an toàn với diện tích 27 ha; khoảng 100 hộ dân tham gia mô hình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. 

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, huyện đã hỗ trợ kinh phí, khuyến khích thành lập các Hợp tác xã để tạo sự liên kết giữa các thành viên, để họ trao đổi và hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Các hợp tác xã này hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật, phát huy tính cộng đồng, tính liên kết, qua đó làm đổi mới phương thức trồng trọt và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần thay đổi tập quán sản xuất tự phát, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Nam
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP

Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của thị trường, UBND huyện Hậu Lộc cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa luôn khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN