Đây là công trình nhằm xây dựng quy trình và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý chất lượng từ nông dân các hợp tác xã. Qua đó, giúp nông dân từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khâu sửa soạn đồng ruộng, canh tác đến thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, đồng thời quản lý tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác thải nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thạc sĩ Phạm Thị Minh Hiếu, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Trong hai năm qua (2016-2018), nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ một số hợp tác xã sản xuất rau an toàn ứng dụng và phát triển thành công mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP. Tiêu biểu như Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền - Bình Thủy đã xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, đạt chứng nhận VietGap trên các sản phẩm: cà chua, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, dưa lê, bí đao, ớt và một số loại rau ăn lá. Mô hình này mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân.
Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền - Bình Thủy được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất (nhà kho, điểm pha thuốc, tủ y tế…) và các biểu bảng (bảng mã số ruộng, bảng mới phun thuốc…). Thành viên Hợp tác xã được tham gia các lớp tập huấn về các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, nhận thức áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tại nông trại theo VietGAP, sơ cấp cứu khi bị tai nạn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có sổ nhật ký sản xuất ghi chép quy trình sản xuất, sơ chế rau… Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn được hỗ trợ in các bao bì và nhãn hiệu nhằm mục đích tạo thương hiệu và cung cấp nông sản sạch cho các điểm bán rau an toàn, siêu thị. Công tác liên kết tiêu thụ giữa Hợp tác xã và các công ty thu mua ngày càng được mở rộng thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học với sự tham dự của các công ty: VnFarm Food, Công ty Rau sạch Thầy Tài, Công ty Nông Sản Xanh...
Theo tính toàn sơ bộ, nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap sẽ lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng/ha so với các nông dân khác. Lợi nhuận nông dân thu được từ trồng bí đao và dưa hấu khá cao, từ trên 90 triệu đồng đến 133,6 triệu đồng/ha/vụ. Tổng sản lượng rau ăn lá và rau ăn quả của Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền - Bình Thủy là 711.290 kg/năm/10,22ha.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hai (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ) nhận định: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP tại thành phố Cần Thơ” mang ý nghĩa lớn về mặt kinh tế và xã hội. Dự án vừa giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa giúp người tiêu dùng an tâm khi được sử dụng nông sản sạch. Đồng thời, nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm và với môi trường, gắn liền với chữ “tâm”. Việc triển khai mô hình ra nhiều cơ sở, công ty sản xuất rau an toàn, hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn quận Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng… cho thấy tín hiệu đáng mừng trong việc hình thành chuỗi sản xuất – tiêu dùng “trách nhiệm, thông minh”.