Đó là nhận xét của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khi nói về tiềm năng xuất khẩu gạo ngon của Việt Nam hiện nay.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên là một trong những nước có sản lượng gạo xuất khẩu nhất nhì trên thế giới. Trong giai đoạn 2010 - 2016, thị phần gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vài năm trở lại đây, xuất khẩu gạo gặp khó khăn vì các nước xuất khẩu không ngừng cạnh tranh về lượng và chất, thế nhưng Việt Nam vẫn đứng trong hàng Top những nước có sản lượng xuất khẩu gạo khá cao.
Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt trị giá 1,84 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp. Hiện mức giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.
Đánh giá cao những gì mà ngành lúa gạo đạt được, song không ít ý kiến cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khối lượng xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường cho nên giá trị xuất khẩu thu được không cao.
Ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công thương An Giang, cho biết mặt hàng gạo luôn sẵn có, song việc xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, đến nay tỉnh vẫn chưa định hướng được giống lúa chủ đạo cho hoạt động xuất khẩu; chiến lược cũng chưa nêu các tiêu chí, tiêu chuẩn gạo… để gieo trồng, sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Tương tự, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cũng cho rằng, năng suất lúa Việt Nam khoảng 5,3 tấn/ha trong khi Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha, nhưng giá trị xuất khẩu thu được của họ lại cao hơn nhiều so với Việt Nam. Thương hiệu gạo của Thái Lan tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong khi đó đa phần gạo Việt Nam không được người tiêu dùng biết tới. Nguyên nhân là giống lúa cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam chưa được thống nhất. Các đơn vị vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và mỗi đơn vị lại có một tiêu chuẩn, chất lượng gạo ngon, gạo chất lượng khác nhau.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghiệp Công nghệ cao Trung An, bắt đầu từ năm 2011, nhà nước có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu lúa, các doanh nghiệp đã liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, khi đó Việt Nam cũng đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo cho các nước với chất lượng cao, gạo đồng nhất chỉ 1 loại giống". Từ năm 2012 trở đi, các nhà nhập khẩu gạo Việt Nam phải trả thêm 50 - 80 USD/tấn gạo đồng nhất nêu trên. Từ năm 2017 đến nay, nhiều loại gạo đang được các nhà nhập khẩu yêu cầu nhưng thương nhân Việt Nam lại thiếu hàng do không có nguồn cung, hay nói cách khác là bấp bênh về vùng nguyên liệu.
GS.TS.Võ Tòng Xuân cho rằng, hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn. Để khẳng định vị thế gạo Việt Nam, trước mắt cần chọn ra một giống lúa tốt để sản xuất trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Về lâu dài, phải hướng đến sản xuất sạch bằng cách sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, không thâm canh tăng vụ… qua đó, tăng cường nâng cao chất lượng gạo Việt hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bền vững. "Thị trường xuất khẩu không đón nhận những sản phẩm tạp nham trộn lẫn rồi xuất khẩu với giá rẻ. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu truyền thống hướng đến tự túc lương thực và đang đưa ra nhiều rào cản thương mại gây khó khăn cho sản phẩm gạo Việt Nam khi xuất khẩu. Do đó, đã đến lúc các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để cùng xây dựng vùng nguyên liệu gạo ngon, vùng nguyên liệu ổn định cho gạo Việt Nam", GS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030, sắp tới Việt Nam sẽ giữ ổn định về xuất khẩu gạo và tăng dần chất lượng gạo. Trong giai đoạn 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm sẽ giảm còn khoảng 4,5 - 5 triệu tấn, đạt giá trị từ 2,2 - 2,3 tỷ USD. Giai đoạn 2020 - 2030 sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng giá trị sẽ đạt vào khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%. Song song đó, nỗ lực nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có tỷ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030 sẽ giảm gạo trắng cấp thấp, trung bình còn 10%, gạo trắng phẩm cấp cao là 15%. Gia tăng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, Japonica lên 40%, gạo nếp 25% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khác 10%.
Trong khi đó, bà Dương Ngọc Mai, đại diện Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, muốn khẳng định vị thế của gạo Việt Nam, Việt Nam cần thay đổi tư duy cũ - thay vì cung cấp gạo mà Việt Nam có, sắp tới Việt Nam có thể cung cấp nhiều chủng loại gạo ngon mà thị trường nhập khẩu cần. “Muốn làm được điều này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam. Tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao theo các thị trường lớn. Chẳng hạn với thị trường Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ thương mại gạo theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả. Củng cố, duy trì thị phần gạo Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu gạo của Trung Quốc ở mức cao. Đối với thị trường Đông Bắc Á, tăng cường quảng bá sản phẩm gạo chất lượng cao và hợp tác chặt chẽ với các nước để tăng khả năng trúng thầu trong đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu của các nước. Với thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo sạch để nâng dần giá trị sản phẩm. Chẳng hạn như tăng sản lượng vào Hoa Kỳ từ 5% năm 2020 lên 6 – 7% năm 2030, thị trường Úc từ 9% năm 2020 lên 11 – 12% vào năm 2030...