Sẵn sàng mở lại chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh

Theo Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công Thương, một số quận, huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phương án mở cửa trở lại với lộ trình từng bước. Mục tiêu đến cuối năm, các chợ đầu mối có thể phục hồi 100% công suất hoạt động.

Chú thích ảnh
Các siêu thị ở Hà Nội đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân. 

Về lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch của thành phố là sau ngày 30/9 sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).

TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí hoạt động chợ đầu mối, chợ truyền thống an toàn theo lộ trình ban đầu là 10% rồi tiến dần lên 20%, 30%, 50%... với điều kiện là tất cả thương nhân và nhân viên lao động tham gia làm việc, buôn bán tại chợ được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chí đánh giá trong Bộ Tiêu chí hoạt động an toàn chợ đầu mối do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh ban hành.

Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn mà các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ xây dựng lộ trình mở lại kênh phân phối truyền thống. Việc khôi phục kênh phân phối truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa, thực phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường nội địa.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Việc mở lại chợ truyền thống là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt miền Bắc và miền Trung của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tiếp tục ổn định. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ đóng cửa (gồm 19/449 chợ, giảm 16 so với ngày hôm trước).

Tại tỉnh Hà Nam, ngày 27/9, tình hình thị trường giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh có xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Riêng tại TP Phủ Lý, giá cả một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng giảm trở lại sau khi tăng mạnh cục bộ vào tuần trước, tuy nhiên, tại một số điểm bán lẻ, giá vẫn tăng nhẹ khoảng 10% - 25% so với thời điểm trước khi có dịch. 

Tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, giá cả vẫn ổn định. Tổ công tác kiểm tra hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Sở Công Thương cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn, kịp thời nhắc nhở việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như quy định về sản xuất, kinh doanh, đề nghị Ban Quản lý chợ có biện pháp nhắc nhở các tiểu thương không được tăng giá bất hợp lý.

Tại TP Đà Nẵng, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số lượng điểm bán hàng thực phẩm tại các điểm container tiếp nhận từ Công an Thành phố ngày 27/9 là 13 điểm (Sở Công Thương dự kiến duy trì các điểm bán này đến ngày 30/9).

Ngày 27/9, tổng số chợ hoạt động trên địa bàn thành phố là 27 chợ. Trong ngày, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, chợ Bắc Mỹ An đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng hoạt động để khử khuẩn, dọn vệ sinh. Còn chợ Khuê Mỹ ngày 28/9 bắt đầu tạm ngừng hoạt động để khử khuẩn, dọn vệ sinh, sắp xếp lại chợ phục vụ cho hoạt động trong thời gian đến. Hàng hóa được bán tại các chợ dồi dào, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động, bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa.

Tại tỉnh Thanh Hóa, chính quyền tỉnh đã cho phép một số hoạt động được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới từ 0 giờ ngày 25/9 như các cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm ngoại ngữ, tin học, các khu du lịch, điểm du lịch... và phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Thu Trang/Báo Tin tức
Thử nghiệm phần mềm kiểm soát lái xe vận tải hàng hóa bằng mã QR Code
Thử nghiệm phần mềm kiểm soát lái xe vận tải hàng hóa bằng mã QR Code

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết vừa có văn bản gửi UBND; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai thử nghiệm phần mềm kiểm soát lái xe và người đi cùng trên xe ô tô vận tải hàng hóa bằng mã QR Code của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06 - Bộ Công an) thay cho mã QR Code của ngành giao thông vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN