Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sau thông báo của Anh và Mỹ về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, giá dầu chốt phiên 8/3 đã tăng khá mạnh và đà tăng này vẫn duy trì trong phiên 9/3. Giá dầu trên các thị trường quốc tế đã tăng gần 100% kể từ năm ngoái và tăng hơn 25% kể từ đầu năm nay, do một loạt yếu tố như đà phục hồi mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế thế giới và tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ sau sau sự đổ của giá dầu hồi năm 2014. Việc thiếu đầu tư đã làm hạn chế công suất sản xuất của một số nhà sản xuất chủ chốt. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm rung chuyển các thị trưởng hàng hóa và sự leo thang của giá năng lượng có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, nhận định: "Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong hàng thập kỷ qua. Sự bất ổn trên các thị trường năng lượng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Giá dầu tăng mạnh do những đồn đoán rằng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn nữa do các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga".
Theo ông Tonhaugen, các biện pháp trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây đối với Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ hai thế giới, sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt khoảng 4,3 triệu thùng/ngày, một khối lượng không thể nhanh chóng được thay thế bằng các nguồn cung khác. Ông Tonhaugen cho rằng thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi giá dầu tăng gấp đôi.
Ngoài ra, ông Tonhaugen nói thêm nếu hoạt động xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày sang phương Tây của Nga bị dừng lại vào tháng 4/2022, trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều giữ nguyên mức nhập khẩu dầu thô như hiện nay, giá dầu Brent sẽ tăng vọt lên 240 USD/thùng vào mùa Hè năm nay và điều này sẽ hủy hoại nhu cầu, tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới.