Liên quan đến việc triển khai hoạch Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, hiện nay tiến trình triển khai quy hoạch này đang được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam rốt ráo thực hiện, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.
Cụ thể, ông Trần Thiện Cảnh cho biết, thực hiện các quy định của Luật Quy hoạch, sau khi xây quy hoạch mạng thì phải xây dựng kế hoạch chi tiết. Trong lĩnh vực đường sắt, đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ Kế hoạch triển khai quy hoạch Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai quy hoạch trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động lập 4 quy hoạch chuyên ngành gồm:
Quy hoạch tuyến đường sắt khu vực Hà Nội; Quy hoạch tuyến đường sắt khu vực Tp. Hồ Chí Minh; Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Quy hoạch các ga trong khu vực đô thị và ga liên vận quốc tế.
Chia sẻ về những thuận lợi khó khăn trong quá trình triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Thiện Cảnh phân tích, về những thuận lợi, vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đặt ra là: Năm 2030: Khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Năm 2035: Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Năm 2045: Hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Như vậy, Bộ Chính trị đã chủ trương phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yếu tố tiên quyết, quan trọng để mở ra cơ hội phát triển và thực hiện quy hoạch đường sắt đã được phê duyệt.
Thuận lợi tiếp theo là khi thực hiện quy hoạch đường sắt được đặt trong bối cảnh Luật Quy hoạch được ban hành tích hợp với các quy hoạch của các lĩnh vực khác, đặc biệt là quy hoạch tổng thể của các địa phương cũng đang được triển khai. Điều này tạo ra sự đồng bộ, thống nhất cao.
Một thuận lợi khác không thể không kể đến là khi thực hiện theo Luật Quy hoạch đối với các lĩnh vực khác của ngành giao thông vận tải như đường bộ, hàng hải, đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xây dựng các mục tiêu cụ thể, có sự phân chi thị phần giữa các lĩnh vực; trong đó có đường sắt. Cụ thể là xây dựng chi tiết mục tiêu chiếm lĩnh thị phần của từng phương thức vận tải theo hướng hỗ trợ phát triển các lĩnh vực; tránh mất cân đối giữa các lĩnh vực.
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, thì khó khăn trong quá trình triển khai quy hoạch đường sắt cũng không nhỏ, khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là khi triển khai quy hoạch triển ngành đối với đường sắt khu vực Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hai trung tâm hành chính – kinh tế - chính trị hàng đầu của Đất nước đang triển khai các dự án trọng điểm. Ví dụ trong lĩnh vực đường bộ, tại Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng Vành đai 3, Vành đai 4, tại Thủ đô Hà Nội là triển khai Vành đai 4… điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan như chính quyền địa phương, tư vấn, ban quản lý dự án…để có sự khớp nối tạo thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch đường sắt.
Nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai quy hoạch đường sắt đang bị chậm, ông Cảnh cho hay, tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây mới chỉ là quy hoạch mạng mang tính chung nhất. Ví dụ như quy hoạch có đề cập đến xây dựng tuyến đường sắt Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đây mới quy hoạch mạng từ điểm A đến điểm B, còn để triển khai tuyến đường này cần có quy hoạch chi tiết bao gồm: hướng tuyến, địa điểm xây dựng nhà ga, quỹ đất, tổng vốn đầu tư…Hiện nay, những quy hoạch chi tiết các tuyến thì Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo xây dựng, đáp ứng tiến độ đề ra.
Về nguồn lực triển khai quy hoạch, ông Trần Thiện Cảnh thông tin, trong giai đoạn 2021-2030, nguồn vốn dành cho ngành đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng, tuy nhiên trong trung hạn 2021-2025, Chính phủ dành nhiều nguồn lực cho việc xây dựng đường bộ cao tốc. Vì vậy ngành đường sắt chỉ được phân bổ rất nhỏ khoảng trên 15.167 tỷ đồng, chủ yếu vào các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu. Tuy nhiên sau giai đoạn 2025, nguồn lực dành cho ngành đường sắt rất lớn.
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đang xây dựng cơ chế chính sách để trình Bộ Giao thông Vận tải thu hút các nguồn lực khác trong và ngoài nước. Hiện tại cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm đến các tuyến đường sắt đang được quy hoạch. Cùng với đó, Cục Đường sắt Việt Nam cũng xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho đường sắt để đáp ứng kịp thời khi thực hiện các dự án đường sắt; trong đó có đường sắt tốc độ cao.
Với quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong triển khai quy hoạch các lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực đường sắt thì hoàn toàn đáp ứng tiến độ và yêu cầu của Chính phủ.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, để triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư nhiều dự án đường sắt lớn để kết nối, giảm chi phí logistics giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh việc cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để khai thác vận tải hàng hóa, hành khách một cách tốt nhất.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, danh mục dự án đường sắt được ưu tiên là những dự án có tính kết nối, gồm đường sắt quốc gia khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối khổ đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc khu vực biên giới Lào Cai - Hà Khẩu; xây dựng tuyến đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và một số bộ, ngành liên quan về kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch về mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hôm 2/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai rất kịp thời quy hoạch đường sắt, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng có yêu cầu cao hơn nữa.
Đối với quy hoạch hệ thống đường sắt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Quy hoạch cần bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Đầu tư có thể theo lộ trình, phân kỳ đoạn tuyến phù hợp với yêu cầu phát triển, điều kiện nguồn lực, tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội; nhưng quy hoạch phải được lập một cách hệ thống, đồng bộ và tổng thể và có tầm nhìn xa, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, gắn kết đồng bộ hệ sinh thái kinh tế công nghiệp - dịch vụ - cảng biển - đô thị và hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và hàng hải.
Cần nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Về nguồn lực thực hiện quy hoạch ngoài vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công cần đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để huy động các nguồn lực xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị (TOD) tại các nút giao thông, nhà ga đường sắt tạo quỹ đất, phát huy nguồn lực đầu tư trở lại cho đường sắt.
Với quy hoạch và nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD chúng ta có thể thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp đường sắt để từng bước tự chủ, làm chủ khoa học công nghệ phương tiện, vật tư, trang thiết bị cho đường sắt.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng trao đổi về định hướng một số dự án đường sắt quan trọng trong quy hoạch và đề nghị trong giai đoạn 2023-2025 Bộ Giao thông Vận tải phải tập trung thực hiện một số dự án cụ thể; đồng thời điều tra, đánh giá, tính toán kỹ các dự án sẽ triển khai trong giai đoạn tiếp theo…