Quy hoạch khai thác, sử dụng Titan - Bài 2: Lợi bất cập hại

Từ hơn chục năm nay, sau những báo cáo được cho là đứng đầu Đông Nam Á về trữ lượng Titan, nhiều khu vực ở Bình Thuận ngày càng “tan hoang” do khai thác Titan.

Các dự án khai thác, chế biến Titan không chỉ gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, mà còn ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là dải ven biển.

Chú thích ảnh
Khu vực mỏ khai thác titan ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã từng xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước đãi titan năm 2016. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Hiệu quả kinh tế thấp

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh có khoảng 26 khu vực đã và đang khai thác Titan (trước khi có Quyết định 1546). Theo Quyết định 1546, hiện tỉnh có 23 khu vực được đưa vào Quy hoạch khai thác Titan với tổng số 25 dự án (đã được cấp giấy phép khai thác, thăm dò và đang làm thủ tục thăm dò), với tổng diện tích đưa vào Quy hoạch Titan 19.339 ha. Trong khi đó, 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã được chấp thuận có tổng diện tích 4.576 ha có sự chồng lấn, tập trung ở tầng cát xám dọc ven biển. Các dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện.

Từ hơn 3 năm qua, nhiều loại dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió) phải tạm thời dừng lại để chờ kết quả điều tra và quy hoạch khai thác Titan của Trung ương.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về quản lý, giám sát hoạt động khoáng sản cũng như các rủi ro về môi trường - xã hội từ khai thác Titan có thể đưa đến, đặc biệt là tình trạng khai thác lậu, mất nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, sa mạc hóa vùng bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước ven biển, vượt dư lượng phóng xạ vì khai thác Titan… đang dần bộc lộ, ảnh hưởng lớn tới cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy nhiều đơn vị đã được cấp phép khai thác, thăm dò song tiến độ triển khai rất chậm. Đóng góp từ Titan cho ngân sách tỉnh Bình Thuận không đáng kể, thường không quá 1% tổng thu ngân sách hàng năm và chỉ bằng 1/10 so với ngành du lịch, lại có xu hướng giảm liên tục trong những năm gần đây. Các dự án chế biến sâu cũng gặp vấn đề về tiến độ triển khai vì không được đảm bảo nguyên liệu và nhu cầu sử dụng sản phẩm quặng Titan giảm mạnh, giá sản phẩm thấp, đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, cuối năm 2017, Bộ Công Thương phải trình Quy hoạch điều chỉnh về Titan, trong đó tập trung cho tỉnh Bình Thuận. Nhưng vì nhiều lý do, bản quy hoạch này đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Chính phủ trong tương lai gần.

Chồng lấn dự án giữa Titan và du lịch

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh đang có 7 dự án khai thác Titan được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép với diện tích hơn 2.542 ha. Hầu hết các dự án nằm trong quy hoạch tập trung tại xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam). Tuy vậy, các dự án khai thác Titan đều được quy hoạch dọc ven biển, nơi có địa hình tương đối cao. Dưới chân các mỏ Titan là đường dân sinh và khu dân cư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với địa hình này, quá trình khai thác luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao về sự cố môi trường. Hơn nữa, các đơn vị tham gia khai thác Titan mặc dù được cấp phép nhưng tiềm lực và năng lực khai thác lại có phần hạn chế. Cho đến thời điểm hiện tại, gần như tất cả các dự án được cấp phép đều bị buộc tạm ngừng do không đủ điều kiện khai thác. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, có 3 dự án trọng điểm phát triển du lịch gồm dự án đầu tư Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng - Mũi Né của Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS; dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch và thương mại nông thị Dubai; dự án Trung tâm Dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né của Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân với tổng diện tích 2.500 ha, vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, các dự án này đều có diện tích chồng lấn vào khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, dự trữ Titan của Chính phủ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho danh nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn tới chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mặt khác, công nghệ khai thác, chế biến quặng Titan tại Bình Thuận hiện còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đặc biệt là nước. Hầu hết các mỏ quặng nằm dưới đồi cát ven biển, cách xa sông, hồ. Để có nước tuyển quặng, các doanh nghiệp đều phải dùng nước giếng khoan.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sớm điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến Titan trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm quan tâm xem xét, cho chủ trương giải quyết vấn đề này.

“Do quy hoạch tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg và Quy hoạch dự trữ khoáng sản theo Quyết định số 645/QĐ-TTg liên quan đến nhiều địa phương và rất nhiều loại khoáng sản, trong khi việc điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ tập trung vào khoáng sản Titan. Nếu chờ điều chỉnh một lần cho tất cả thì sẽ rất lâu, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên đang rất bức xúc. Vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ quan tâm cho chủ trương điều chỉnh để địa phương làm cơ sở triển khai, thực hiện”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị.

Bài 3: Còn nhiều bất cập trong quản lý

Diệu Thúy (TTXVN)
Quy hoạch khai thác, sử dụng Titan - Bài 1: Cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường
Quy hoạch khai thác, sử dụng Titan - Bài 1: Cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường

Bình Thuận cũng đặt mục tiêu trở thành Trung tâm chế biến quặng sa khoáng Titan tầm quốc gia nhưng cho đến nay, quá trình thực hiện và triển khai quy hoạch Titan đã nổi lên nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN