Quỹ Hỗ trợ nông dân - đòn bẩy giúp nông dân Ninh Bình vượt khó

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, giúp nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ chính là đòn bẩy giúp các hộ nông dân có điều kiện xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Kênh trợ vốn nông dân hiệu quả

Chú thích ảnh
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình trao tiền hỗ trợ cho nông dân địa phương. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, là một trong những hộ được tiếp cận sớm với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Điều kiện đất đai, nhân lực có, nhưng gia đình lại không có vốn để phát triển sản xuất. Năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 2,6 ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Từ năm 2019 đến nay, trung bình cứ 7 đến 9 tháng gia đình ông thu 1 lứa cá, sản lượng khoảng 70 tấn/năm, doanh thu 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500-700 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi cá, hiện gia đình ông Thịnh còn trồng hàng chục gốc bưởi diễn, mít Thái cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bùi Đức Thịnh chia sẻ, những năm đầu khởi nghiệp rất khó khăn nhưng nhờ sự trợ giúp của Hội Nông dân các cấp trong việc vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông được tiếp thêm động lực. Hiện gia đình đã trả nợ và đang đóng góp xây dựng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Chị Đinh Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Viễn cho biết, gia đình ông Bùi Đức Thịnh là 1 trong 10 gia đình được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Gia Hòa với tổng số vốn vay trong 2 năm là 1 tỷ đồng cho dự án "Nuôi cá nước ngọt thâm canh". Thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp đã giúp các hộ hội viên nông dân của huyện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện có 280 hội viên nông dân huyện Gia Viễn được vay gần 5,4 tỷ đồng. 

Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt cho 10 hộ nông dân tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với số tiền 500 triệu đồng để xây dựng và triển khai dự án "Nuôi cá nước ngọt thâm canh". Sau 2 năm thực hiện dự án, 100% hộ nông dân tham gia được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2018 đến nay, mỗi hộ thành viên thu hoạch trên một tấn cá/năm, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/hộ và thành lập được Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Sông Đằng với 52 thành viên. Hợp tác xã đã thực hiện các dịch vụ đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định; đồng thời huy động cao nhất các nguồn lực về nguồn vốn, các chương trình, dự án, từng bước mở rộng, phát triển mô hình, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp hội viên, nông dân làm giàu chính đáng trên quê hương Yên Đồng.

Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô cho biết, dù nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân không nhiều nhưng đã tiếp sức, hỗ trợ, động viên kịp thời, tạo điều kiện để  hội viên, nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ theo hướng an toàn. Nguồn Quỹ này không chỉ giải quyết được một phần về vốn để hội viên, nông dân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mà còn tập hợp hội viên, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết trong sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình kiểm tra các mô hình được hỗ trợ bằng nguồn vốn vay của Quỹ Hội. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Trong những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chuyển đổi sản xuất với những mô hình hay như mô hình chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư), mô hình trồng dứa thâm canh ở phường Tây Sơn, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), mô hình nuôi lợn nái ngoại ở xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn), mô hình trồng thâm canh cây bí xanh và dưa leo tại xã Khánh Công (huyện Yên Khánh)...

Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình cũng quan tâm đầu tư vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như mô hình trồng cây bí xanh, dưa leo tại xã Khánh Công (huyện Yên Khánh), xã Mai Sơn (huyện Yên Mô); mô hình trồng dứa tại phường Tây Sơn (thành phố Tam Điệp); mô hình thâm canh cây Đào phai xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp), xã Gia Lâm (huyện Nho Quan), xã Xuân Chính, Kim Định (huyện Kim Sơn); mô hình Phát triển Du lịch cộng đồng xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư)... Các mô hình này đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50-60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đạt mức thu nhập lên đến 80-180 triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2011- 2020, hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trong hệ thống Hội phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đến nay, 6/8 đơn vị cấp huyện có nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền đạt từ 500 triệu - 1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ cho vay nguồn Trung ương ủy thác là 15 tỷ đồng, đã giải ngân 34 dự án cho 352 hộ vay 15 tỷ đồng; nguồn Tỉnh hội là gần 17 tỷ đồng, đã giải ngân 50 dự án cho 311 hộ vay; tổng số dư nợ cho vay Hội Nông dân cấp huyện đang quản lý là hơn 11 tỷ đồng, đã giải ngân cho 1.039 hộ hội viên, nông dân vay. Việc giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đúng thời điểm đã giúp phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó tạo động lực để nông dân mạnh dạn tiếp cận với cách làm ăn mới.

Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, thông qua hoạt động Quỹ, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng được hình thành, phát triển, tác động tích cực khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn…

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Thùy Dung (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Các ngân hàng phải công khai mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp
TP Hồ Chí Minh: Các ngân hàng phải công khai mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng tại TP Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng mạnh. Điều này cho thấy, nhu cầu cần vay vốn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... vẫn rất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN