Quảng Trị: Tín dụng ưu đãi giúp hơn 66.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Chiều 22/9, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, qua 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng; nguồn vốn cho vay trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đã cho vay 17 chương trình. Nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 31/8/2022 đạt hơn 3.715 tỷ đồng, tăng hơn 3.556 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao (năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,78%/năm, với hơn 69.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ. Từ nguồn vốn này, hơn 66.500 hộ vượt đã qua ngưỡng nghèo, gần 33.000 lao động được tạo việc làm, trên 1.200 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trên 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Nguồn vốn này cũng đã giúp xây dựng được gần 109.000 công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn và hơn 5.500 nhà cho hộ nghèo, từng bước nâng cao mức sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách đã góp phần tích cực, giúp giảm nghèo tại huyện Đakrông (huyện nghèo theo Nghị quyết 30a), tỉ lệ hộ nghèo của địa phương này giảm còn 49,2%. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tỉnh Quảng Trị tập trung cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, trên 95% dư nợ tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại 101 xã xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62%). Kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh góp phần giúp tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 1,5 - 2%, đảm bảo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang đề nghị, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng chính sách. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các Hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả các công đoạn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ủy thác, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn bảo đảm hiệu quả bền vững.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính tri-xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, đối tượng chính sách; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đề nghị, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn để tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt chương trình hỗ trợ vốn về nhà ở, dạy nghề cho hộ nghèo, người lao động tại các dự án ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu Công nghiệp Quảng Trị (VSIP8)...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Bùi Quang Vinh ghi nhận và biểu dương những thành tích đạt được của tín dụng chính sách xã hội thực hiện tại Quảng Trị trong suốt 20 năm qua, là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả nhất Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đề nghị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, cần ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong bối cảnh kinh tế thị trường, phải gắn mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi đôi với giảm nghèo bền vững. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu triển khai việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù với phương châm "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được tuyên dương và khen thưởng.

Nguyên Linh - Thanh Thủy (TTXVN)
Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc
Tín dụng ưu đãi đối với người nghèo là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc

Ngày 22/9, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN