Dự kiến kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Quảng Trị trên 3.210 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 1.286 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.924 tỷ đồng.
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ giải ngân hàng tháng cao hơn mức trung bình của cả nước; quyết tâm trước ngày 31/12/2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2024 và 100% kế hoạch năm 2023 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2024.
Đối với các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2024, chỉ thị yêu cầu tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục, nghiệm thu và thanh toán khối lượng hoàn thành đủ điều kiện, khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt theo đúng quy định, đảm bảo đến hết ngày 30/6 giải ngân trên 50% kế hoạch và đến hết ngày 30/9 giải ngân trên 75% kế hoạch.
Đối với các dự án khởi công mới năm 2024, chỉ thị yêu cầu khẩn trương hoàn thành các hồ sơ thủ tục, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính để sớm thi công công trình; đảm bảo đến hết ngày 30/6 giải ngân trên 30% kế hoạch và đến hết ngày 30/9 giải ngân trên 60% kế hoạch. Đối với các đơn vị được giao dự toán thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, phấn đấu trước ngày 30/6 đạt trên 60% dự toán và trước ngày 30/11 hoàn thành 100% dự toán được giao. Các dự án được giao từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất và xổ số kiến thiết triển khai thực hiện theo tiến độ nguồn thu.
Đối với các dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), chỉ thị yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ đề nghị rút vốn theo quy định; đồng thời sau khi giải ngân, chủ động thực hiện công tác ghi thu - ghi chi số vốn đã thanh toán.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải có tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao trách nhiệm hơn nữa; xác định nâng cao chất lượng trong toàn bộ quá trình từ khâu lập kế hoạch đến triển khai thực hiện, khắc phục nhanh các điểm nghẽn và tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị và địa phương.
Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương siết chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng cụ thể về thẩm quyền trách nhiệm giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện và giải ngân vốn của các chương trình dự án; quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh không để kéo dài gây ách tắc lãng phí nguồn lực; kịp thời rà soát, điều chuyển linh hoạt kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm sang các dự án có tiến độ thực hiện tốt.
Các sở, ngành và địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cơ quan, đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư công trong quản lý nguồn lực đầu tư; chủ động rà soát, thông tin kịp thời chính xác về khó khăn vướng mắc để các cơ quan quản lý có chính sách, giải pháp đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, năm 2023, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao gần 3.090 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng chỉ giải ngân được trên 65% do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai dự án.