Quảng Bình dập dịch 'kép' lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi

Ngày 20/12, ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra dịch bệnh “kép” gồm dịch tả lợn châu Phi trên lợn và dịch lở mồm long móng ở trâu, bò.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng an tâm hơn khi tìm đến các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, các cơ sở bán thực phẩm sạch trên địa bàn để chọn mua thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn. 

Điều đáng lo ngại là trước diễn biến thất thường của thời tiết, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin gia súc chưa cao cùng với việc khó kiểm soát phương tiện vận chuyển gia súc trước, trong và sau Tết Nguyên đán… sẽ khiến cho các dịch bệnh trên gia súc có nguy cơ lây lan, bùng phát cao.

Theo ông Trần Công Tám, ngay từ giữa tháng 6, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát tại tỉnh Quảng Bình, khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thị trường giá cả thịt lợn cũng có nhiều biến động thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tiêu dùng của người dân.

Do đó, từ ngày 13/6 đến 19/12, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 332 hộ/148 thôn/58 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy 2.570 con với trọng lượng tiêu hủy trên 133.600 kg.

Đến nay, đã có 41 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn ốm chết do dịch bệnh tả lợn châu Phi; 17 xã thuộc 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, dịch bệnh vẫn đang hoành hành.

Đối với dịch lở mồm long móng trên trâu, bò bắt đầu xuất hiện tại địa bàn xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vào cuối tháng 10.

Tính đến ngày 12/12, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 20 thôn, bản của 5 xã thuộc hai huyện Lệ Thủy và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Dịch bệnh đã làm 515 con trâu, bò bị ốm, chết. Trong đó, địa bàn huyện miền núi Minh Hóa có tỷ lệ trâu, bò bị bệnh cao; với 425 con trâu, bò bị ốm và 1 con bò chết. Dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng, nơi có ổ dịch cũ và chủ yếu là gia súc thả rông trong rừng. Hiện 413/425 con trâu, bò đã lành về triệu chứng và chưa ghi nhận thêm trâu, bò chết do mắc dịch bệnh này.

Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình Trần Công Tám cho biết, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cũng như Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh “kép” xảy ra trên đàn gia súc khiến việc  dập dịch vấp phải những bất cập, khó khăn.

Cụ thể, giám sát dịch bệnh tại cơ sở còn thiếu chặt chẽ; việc báo cáo tình hình, diễn biến dịch bệnh từ cơ sở truyền về chậm. Mặt khác, hệ thống Trạm Thú y cơ sở đã sáp nhập vào các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp địa phương, vì thế việc chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng không còn nhiều hiệu quả.

Điều đáng nói, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp và chính quyền một số địa phương tổ chức triển khai phòng, chống dịch chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt và còn lơ là. Người dân chủ quan và giấu dịch… dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, thời tiết mưa rét thất thường sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Khả năng miễn dịch của gia súc đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giảm do một số nơi chưa triển khai tiêm phòng vắc xin đợt 2/2019.

Cùng với đó, lưu lượng vận chuyển gia súc trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ gia tăng, khó kiểm soát; quản lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ chưa chặt chẽ…Vì thế, thời gian tới, dịch bệnh gia súc có nguy cơ lây lan, bùng phát ở các địa phương trong tỉnh là rất lớn.

Để khẩn trương khống chế, dập dịch xảy ra trên đàn gia súc kịp thời, UBND tỉnh Quảng Bình đã gửi các công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp về phòng, chống các dịch bệnh trên đàn gia súc.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra; đồng thời báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình và phòng, chống dịch bệnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y).

Mặt khác, tỉnh chú trọng thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, kiến thức của người dân; tuyệt đối không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường; khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao. Ngoài ra, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp các ổ dịch và các vùng nguy cơ cao để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn phòng, chống dịch tại cơ sở…

Bài và ảnh: Võ Dung (TTXVN)
Ninh Thuận khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi ngay tại chỗ
Ninh Thuận khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi ngay tại chỗ

Các địa phương xảy ra dịch tả lợn châu Phi phải khẩn trương khoanh vùng, tập trung dập dịch, không để dịch tả lợn lây lan sang các địa phương khác. Đồng thời thực hiện mọi biện pháp có thể để chống dịch, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN