Quản lý tài sản Nhà nước còn chưa hiệu quả

Tại họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều 28/7 ở Hà Nội, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thừa nhận: Nhiều tài sản Nhà nước (TSNN) của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập còn bỏ hoang, lãng phí. Cơ quan chức năng đang tính tới việc mở rộng đối tượng được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị quản lý.


Bộ Tài chính sẽ rà soát hệ thống chế tài xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Theo ông Thắng, tính đến ngày 31/12/2014, hơn 59.000 đơn vị sự nghiệp công lập hiện quản lý số lượng tài sản khoảng 690.590 tỷ đồng (chiếm 69,08% tổng giá trị tài sản Nhà nước). Tuy nhiên, nhìn vào tài sản của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều chỗ sót, có tài sản bỏ hoang nhiều năm.

Kết quả thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa cao. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành địa phương, đến nay mới chỉ có 579 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được giao vốn theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp với tổng giá trị tài sản khoảng trên 19.000 tỷ đồng.

Đánh giá về cơ chế quản lý, sử dụng TSNN hiện nay, đại diện Cục Quản lý công sản cho rằng: Cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Tuy nhiên, cơ chế hiện hành và công tác tổ chức thực hiện còn bộc lộ những hạn chế như: Một số tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện để được Nhà nước xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp còn chưa hợp lý, dễ tạo tâm lý e ngại cho các đơn vị như: Phải có đề án sử dụng tài sản, phải cam kết Nhà nước không bổ sung kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, một số đơn vị sự nghiệp công lập còn có tâm lý ngại thay đổi, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước; một số đơn vị chưa thấy được tác dụng quan trọng của việc sử dụng hiệu quả TSNN giao cho đơn vị nên chưa tích cực triển khai...

Trước tình hình trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Cơ chế hiện hành và tổ chức thực hiện trong thời gian tới sẽ được bổ sung, sửa đổi. Trong đó sẽ rà soát tổng thể trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý để cắt bỏ những nội dung không cần thiết, quy định các nội dung, thời hạn thực hiện từng khâu công việc để đẩy nhanh tiến độ giao tài sản cho đơn vị. Không chỉ các đơn vị tự chủ thu chi mà đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cũng sẽ thuộc diện được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao cho quản lý.

Một số cơ chế “mở” cũng nhận được nhiều nghi vấn liệu các đơn vị sẽ cho thuê, mượn tài sản tràn lan để thu lợi? Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: Pháp luật hiện đã quy định chặt yêu cầu khi giao tài sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập. "Một trong những yêu cầu đầu tiên là sử dụng đúng mục đích, không làm ảnh hưởng nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong quản lý tài sản cũng nêu rõ nếu dùng sai quy định thì sẽ bị phạt tiền, cảnh cáo với công chức, viên chức" ông Trần Đức Thắng nói.



Minh Phương
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN