Quản lý đất nông, lâm trường - Bài 1: Giải bài toán tranh chấp, lấn chiếm đất đai

Hiện nay, khối các công ty nông, lâm trường vẫn còn giữ lại diện tích đất rất lớn với hơn 1,8 triệu ha, nhưng việc quản lý và sử dụng diện tích đất này vẫn chưa phát huy hiệu quả, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn… kéo theo những hệ lụy và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chú thích ảnh
Tình trạng xâm lấn đất rừng diễn ra tại lâm phần do HTX Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quản lý. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Nguyên nhân lấn chiếm đất đai

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp đã chuyển sang Công ty cổ phần như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam… song đều gặp nhiều khó khăn trong quản lý bởi diện tích rất lớn và trải rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những khó khăn về giao thông, điều kiện kinh tế.

Hơn nữa, hầu hết đất nông, lâm nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty đang quản lý có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh, tập trung nhiều nhất là Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam được bàn giao nguyên trạng, chưa được đo đạc, cắm mốc và bản đồ địa chính. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai xảy ra trong thời gian dài.

Việc thu hồi đất, thu hồi tài sản trên đất bị lấn chiếm, chiếm đoạt gặp rất nhiều khó khăn do hồ sơ đất bàn giao chưa có mốc giới, đặc biệt chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, gần như phó mặc cho doanh nghiệp tự giải quyết. Đặc biệt như một số trường hợp tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cà phê Việt Thắng; Nông trường Đắk Ngo thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cà phê Đắk Nông…

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cà phê Đắk Nông được Nhà nước cho thuê 1.341,8 ha đất tự nhiên, hiện trạng chủ yếu là trồng điều và các loại cây trồng lâu năm. Riêng Nông trường Đắk Ngo, diện tích đất được giao, thuê là 755,0194 ha; đất bị dân lấn chiếm, xâm canh là 245 ha, chiếm 32,4% tổng diện tích của Nông trường, nguyên nhân là do người dân địa phương và đồng bào dân tộc di cư từ miền Bắc trước năm 2005.

Từ tháng 11/2013 đến nay, tình hình an ninh trật tự tại Nông trường Đắk Ngo diễn biến phức tạp, nhiều người nhận khoán bị một số đối tượng kích động, khống chế, gây mất ổn định quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Cụ thể như chiếm giữ đất đai, vườn cây; không thực hiện nghĩa vụ nộp khoán và trả nợ, tự ý phá bỏ chặt phá vườn cây (hơn 22 ha cà phê trồng năm 2000), chặt 40 cây muồng đen che bóng (lấy trên 30 m3 gỗ), làm nhà trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp (49 căn), ngăn cản, đe dọa và đánh đập cán bộ quản lý của Công ty… Công ty đã lập hồ sơ báo cáo, tố cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết, xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Liên quan vấn đề này. Thanh tra Chính phủ đã tổ chức thanh tra và Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn chỉ đạo việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng đến nay người lao động tại Nông trường Đắk Ngo vẫn không thực hiện và chính quyền cũng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Người dân vẫn ngang nhiên chiếm giữ vườn cây, đất đai, tự thu sản phẩm và không chịu nộp sản phẩm cho đơn vị nên đã gây nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty suốt 6 năm qua (giá trị sản lượng người dân nhận khoán chiếm dụng lũy kế đến 31/12/2018 gần 32 tỷ đồng).

Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Đắk Nông vẫn chưa được địa phương phê duyệt Phương án sử dụng đất, do chưa giải quyết xong vấn đề Nông trường Đắk Ngo (bàn giao cho Binh đoàn 16 của Bộ Quốc phòng), điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện sắp xếp Công ty này cũng như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

Lập phương án sử dụng đất hiệu quả

Để tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, khi thực hiện thu hồi và bàn giao đất về địa phương theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, các địa phương cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp có đất bị thu hồi.

Đồng thời, đề nghị các địa phương thống nhất ý kiến với tập đoàn, tổng công ty trước khi lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương trên quỹ đất tập đoàn, tổng công ty đang quản lý sử dụng trên địa bàn để Công ty mẹ và các đơn vị thành viên chủ động trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, trung hạn và dài hạn, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất trong thời gian chờ bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng.

Tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương để khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường…

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, doanh nghiệp trong công tác quản lý đất đai, thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bài 2: Hạn chế trong sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm trường

Diệu Thúy (TTXVN)
Quản lý đất nông, lâm trường - Bài cuối: Hoàn thiện đề án về tăng cường quản lý đất đai
Quản lý đất nông, lâm trường - Bài cuối: Hoàn thiện đề án về tăng cường quản lý đất đai

Để đảm bảo tính đồng bộ và tổng thể đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN