Ghi nhận những khó khăn hiện nay cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, TTXVN có chùm 2 bài viết về những cách làm mới, thích ứng nhanh với tình hình thực tế để duy trì, giữ vững các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bài 1: Không ít khó khăn
Kể từ tháng 10, các doanh nghiệp dừng sản xuất "3 tại chỗ" chuyển sang giai đoạn thích ứng để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp những thiệt hại sau thời gian dài bị trì trệ. Mặc dù phương thức sản xuất linh hoạt hơn, song những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt cũng không ít.
Thiếu nhân công và vốn
Đơn hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm đều tăng cao nên Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) cần tuyển khoảng 100 lao động thời vụ để làm đơn hàng Tết. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng qua, nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân không thể tuyển được người.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc APT cho biết: Trong thời gian sản xuất “3 tại chỗ”, Công ty đã cố gắng chăm lo và đảm bảo an toàn cho người lao động, nhờ đó giữ được gần như 100% công nhân cố định. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm, Công ty thường tuyển một số lao động thời vụ từ các tỉnh miền Tây hoặc sinh viên để tăng công suất, kịp giao hàng cho đối tác. Mọi năm vào thời điểm này, Thành phố sẽ đón lượng lớn lao động thời vụ ở các tỉnh lên làm hàng Tết ở các nhà máy, nhưng năm nay trái ngược, "thị trường lao động khá ảm đạm", trong khi sinh viên đang học online nên cũng chưa quay lại.
“Doanh nghiệp đã liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm quận, thành phố nhờ giới thiệu lao động, đăng tin tuyển nhân sự lên mạng xã hội, các trang tuyển dụng, bố trí người nhận hồ sơ trực tiếp ở cổng Công ty. Để thu hút người lao động, Công ty quyết định tăng lương, thu nhập cơ bản của lao động mới lên hơn 8 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không tuyển được người”, ông Trương Tiến Dũng thông tin.
Tương tự, Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex cần tuyển hơn 500 công nhân làm đơn hàng cuối năm và mở rộng quy mô nhà xưởng, nhưng sau gần 3 tháng đăng tin tuyển dụng vẫn chưa đủ số lượng. Đại diện Công ty Cholimex thông tin: Để thu hút lao động doanh nghiệp đã điều chỉnh cách tính lương. Lao động học việc sẽ được đảm bảo thu nhập ít nhất là 6 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt sẽ cao hơn. Dù đã đăng tin tuyển dụng tại nhà máy, nhờ sự giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh và tham gia các sàn việc làm trực tuyến do các tỉnh tổ chức, nhưng đến nay Công ty vẫn không tuyển được bao nhiêu.
“Với các lao động ở tỉnh, Công ty cam kết hỗ trợ chi phí đi lại, tổ chức xe đưa đón, trả tiền xét nghiệm, có nhà tập thể cho công nhân. Với người có tay nghề, kinh nghiệm làm việc thì thu nhập mỗi tháng khoảng 13 triệu đồng. Nhiều chính sách đãi ngộ như vậy nhưng có những phiên giao dịch việc làm cả ngày Công ty chỉ tiếp vài ứng viên”, đại diện Cholimex nêu thực tế.
Không chỉ thiếu lao động, các doanh nghiệp muốn tăng sản lượng sản xuất cũng gặp khó khăn về vốn. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhận định: Dù nỗ lực duy trì sản xuất nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất. Sau các đợt dịch COVID-19 vừa qua, hầu hết doanh nghiệp đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm. Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” nên không còn vốn để đầu tư tăng sản lượng hàng hóa.
“Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Chi phí tăng cao
Đơn hàng xuất khẩu đã tăng trở lại, song do giá nguyên liệu và phí dịch vụ logistics tăng cao khiến các doanh nghiệp dè dặt và thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu nêu thực tế: Từ năm 2020, cước vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng gấp 2-3 lần so với trước khi dịch COVID-19 xuất hiện và tiếp tục tăng trong năm 2021, đến nay đã gấp 5-6 lần thậm chí tới 10 lần so với trước. Đơn cử giá cước phí một container loại 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ trước đây có giá từ 1.500-2.000 USD và thời gian vận chuyển hết 28 ngày thì nay giao động 13.000 -15.000 USD và thời gian vận chuyển kéo dài gần 3 tháng. Tương tự, cước phí một container đi Nga đã tăng từ 3.000 USD lên 8.000-10.000 USD, thời gian vận chuyển mất hơn 3 tháng thay vì chỉ 25 ngày như trước đây. Ngay cả với tuyến vận tải đi Australia cũng tăng từ 1.200 USD lên 9.000 USD/container.
Không chỉ tăng cước, phí mà việc đặt container rỗng và chỗ trên tàu cũng rất khó khăn. Có thời điểm, muốn đưa hàng lên tàu doanh nghiệp phải đặt chỗ trước tới vài tháng. Giá thành sản xuất cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm (với thực phẩm) bị rút ngắn và giá sản phẩm bị đội lên cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, bên cạnh vấn đề vận tải thì giá nguyên liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng. Giá hạt cà phê đến nay đã tăng 50% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước. Tuy nhiên doanh nghiệp rất khó để điều chỉnh giá bán tăng tương ứng do hầu hết đơn hàng đã ký trước và doanh nghiệp phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách.
Tương tự, dệt may cũng là ngành chịu ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước đây nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc thường được mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng người mua) thì từ khi cước vận tải biển tăng cao, các nhà cung ứng chuyển sang bán theo FOB (giao tại cảng người bán) và doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu chi phí vận chuyển. Cộng với giá nguyên phụ liệu cũng tăng thêm 20-30% do ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến tổng chi phí đầu vào tăng cao.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thông tin: Ngay khi Thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới” các doanh nghiệp đã gấp rút khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanhh nhằm tận dụng cao điểm những tháng cuối năm gia tăng tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, với diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp ở nhiều địa phương, để đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì được sản xuất liên tục, doanh nghiệp phải xây dựng khu lưu trú tạm thời để cách ly F0 mới phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng bệnh 5K.
“Một vấn đề nữa là dù đơn hàng nhiều, nhất là các mặt hàng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp vẫn phải tính toán do chi phí sản xuất và vận tải đều tăng cao. Chi phí đang ăn mòn vào lợi nhuận, thậm chí có lúc doanh nghiệp càng sản xuất càng lỗ nhưng vẫn phải duy trì hoạt động để giữ khách hàng và tạo việc làm cho lao động”, ông Nguyễn Phước Hưng chia sẻ.
Bài cuối: Chủ động nâng cao năng lực thích ứng