Nỗ lực xuất khẩu từ những ngách nhỏ
Hai tháng 7 và tháng 8/2021, ngành gỗ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất để chống dịch. Việc vượt qua những khó khăn bằng cách duy trì sản xuất hướng đến thị trường ngách là việc nhiều doanh nghiệp tính đến.
Trao đổi về dòng sản phẩm ngách nhỏ, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn tận dụng rất tốt thị trường xuất khẩu viên nén.
Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên dưới 3 triệu tấn viên nén với kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD. Trong dịch bệnh, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng xuất khẩu viên nén đạt 2,4 triệu tấn, tương đương 273 triệu USD.
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% trong tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách ngành gỗ, một trong những điểm mạnh trực tiếp góp phần vào sự phát triển của ngành là do nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, được tạo ra từ gỗ phụ phẩm sau chế biến.
Bên cạnh đó, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển, ngành gỗ Việt Nam được nhận định có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cao trong dài hạn. Các chuyên gia nhận định, cuối năm 2021, đầu năm 2022, làn sóng chuyển đổi cơ cấu tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ có giá trị thấp dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam gia tăng thị phần của mình tại các quốc gia thuộc khối châu Âu. Cùng với đó, lộ trình các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… cũng gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chuyển biến nhanh nhạy trước mọi diễn biến của thị trường, phát triển kể cả những thị trường ngách.
Hỗ trợ bằng chính sách
Ngay sau giãn cách, các doanh nghiệp gỗ chủ lực của các hiệp hội Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định đều đã nỗ lực để trở lại sản xuất với sự hỗ trợ của các địa phương.
Đơn cử như tại Công ty TNHH MTV Nhất Gỗ (Trảng Bom, Đồng Nai), đến thời điểm này vẫn giữ được doanh nghiệp “xanh” nhờ các phương án phòng dịch hiệu quả. Theo đó, từ khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” đến khi trở lại hoạt động “3 xanh” trong tình hình bình thường mới, doanh nghiệp luôn có các tổ COVID-19 hoạt động thường xuyên để bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Đến nay, đã có 900/1.100 lao động trở lại làm việc ổn định, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, khi xét duyệt phương án khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp, Ban quản lý đã lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp phòng dịch, bảo vệ an toàn cho người lao động khi vào nhà máy làm việc.
Tỉnh Bình Dương cũng có biện pháp tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp trở lại sản xuất. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua, tỉnh liên tục ban hành các văn bản về phục hồi kinh tế, trong đó có nhiều văn bản quy định thêm về việc đi lại của người lao động, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp... Đồng thời, tỉnh thống nhất với các tỉnh, thành lân cận đảm bảo lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho người lao động đi lại và giữ vững chuỗi cung ứng.
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho những tháng còn lại.
Theo kịch bản 1, kim ngạch xuất khẩu trong thời gian cuối của quý III tiếp tục giảm và quý IV bắt đầu hồi phục, đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của quý I và II. Theo kịch bản này, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 sẽ vào khoảng 13,55 tỷ USD. Đối với kịch bản xấu hơn, quý IV sẽ tiếp tục sụt giảm so với quý III và kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ còn 12,69 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mong muốn các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch. Theo đó, kịch bản hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ.