Ngành gỗ quyết tâm sớm phục hồi sản xuất, xuất khẩu

Đứng trước những khó khăn do dịch COVID-19, ngành gỗ Việt Nam đang thực hiện những giải pháp riêng cho làng nghề, cho các doanh nghiệp chế biến chủ lực, vùng nguyên liệu. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành trong việc đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 14 tỷ USD năm 2021.

Chủ động nguồn nguyên liệu để đảm bảo xuất khẩu gỗ “về đích”

Đến hết tháng 8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2021 được ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu vẫn có khả năng không đạt được trước những ảnh hưởng to lớn của dịch COVID-19 lên mọi mặt của đời sống, nếu không có được chủ động từ nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới đón đầu “làn sóng” tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cuối năm.

Chú thích ảnh
Nhiều công ty chế biến gỗ hoàn thành các đơn đặt hàng từ đầu năm 2021 nhờ đó tốc độ phát triển của ngành hàng xuất khẩu này vẫn được đảm bảo. Ảnh: TTXVN

Báo cáo “Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu hết 8/2021” của nhóm nghiên cứu gồm Tổ chức Forest Trends, VIFOREST và 3 hiệp hội ngành địa phương cho thấy hàng năm, ngành gỗ Việt đang sử dụng gần 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó nguồn nhập khẩu gần 6,0 triệu m3 gỗ quy tròn và trên 1,5 triệu m3 ván các loại, còn lại là gỗ từ rừng trồng trong nước.

Khoảng trên 40 - 45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55 - 60% còn lại là gỗ ôn đới. Cũng như các ngành khác, ngành gỗ đang đối mặt với vấn đề giá cước vận tải tăng, giá nguyên vật liệu tăng, thiếu container rỗng… đẩy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu lên cao.

Trong thời gian khoảng 1 năm tới, luồng cung gỗ ôn đới từ châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, không chỉ do đại dịch COVID-19 mà còn do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này. Điều này làm cho giá gỗ nhập khẩu từ những nguồn này vào Việt Nam tăng theo.

Với những phân tích ở trên, chuyên gia ngành gỗ xác định: Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sắp tới, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước EU, bởi đây là các vùng có nhiều biến động về nguồn cung, bao gồm giá nguyên liệu.

Vực dậy những làng nghề, gỡ khó cho doanh nghiệp

Cả nước có hơn 300 làng nghề gỗ với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động tham gia sản xuất kinh doanh. Hiện, làng nghề là nguồn cung chủ yếu các sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa. Các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát dịch COVID-19 trong thời gian gần đây có tác động rất lớn tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề.

Theo khảo sát tại 6 làng nghề gỗ vùng Đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) của nhóm nghiên cứu Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và tổ chức Forest Trends cho thấy, tác động của dịch COVID-19 tới các hộ sản xuất rất lớn. Cụ thể, năng lực sản xuất của các hộ đã giảm tới 62%. Trong đó, công suất nơi cao nhất đạt 50% (làng gỗ Thụy Lân), nơi thấp nhất chỉ đạt 30% (làng gỗ Đồng Kỵ, làng gỗ Hữu Bằng). Khoảng 46% số hộ tại các làng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất cầm chừng với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Ở một số nơi như Đồng Kỵ, Liên Hà, La Xuyên lượng sản phẩm bán ra giảm 80 - 90%.

“Trong bối cảnh đại dịch, việc phối hợp giữa các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu thiếu nguồn nhân lực 'hậu giãn cách' với các làng nghề giảm sút các đơn hàng trong nước là hết sức cần thiết”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam chia sẻ.

Theo đại diện các làng nghề, việc phối hợp này không chỉ có tính chất thời vụ. Đây được đánh giá là cơ hội để các làng nghề gỗ tiếp cận với các quy mô kinh doanh, sản xuất gỗ lớn và có hệ thống chuyên nghiệp.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp liên tục phối hợp nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương đề nghị tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ. Theo đó, ưu tiên tiêm phòng cho tất cả lao động trong vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển. Cần có chính sách giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng. Đặc biệt quan tâm đến nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội, tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ nội thất lớn của thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mong muốn các doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch. Theo đó, kịch bản hướng đến việc không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau; vừa đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu và có nhu cầu cao về đồ gỗ.

Chú thích ảnh
Minh Thy/Báo Tin tức
Phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản sau giãn cách
Phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản sau giãn cách

Trong 2 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản bị tác động nặng nề, kéo theo kết quả xuất khẩu giảm mạnh tại khu vực Nam bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN