Phú Quốc khắc phục các sự cố ngập lụt, đảm bảo phát triển du lịch

Sau những ngày mưa bão và ngập lụt, cuộc sống đã trở lại bình thường và sôi động tại Phú Quốc, nơi được trìu mến gọi là "đảo ngọc".

Khẩn trương khắc phục hậu quả 

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, huyện đang tập trung sửa chữa những đoạn đường bị hư hại để thuận tiện cho việc đi lại của người dân và du khách đến với đảo ngọc Phú Quốc. 

Chú thích ảnh
Phú Quốc nhìn từ trên cao.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, chia sẻ: "Phú Quốc có diện tích tương đương với Singapore và có núi rừng, thung lũng, đồng bằng. Phú Quốc có 65% núi rừng, còn lại là đồng bằng. Phú Quốc hội tụ đầy đủ các điều kiện, chứ không phải ốc đảo, mưa xuống là trôi đi hết. Do vậy, muốn đánh giá về nguyên nhân ngập, cần tìm hiểu kỹ về địa hình. Vụ ngập lần này là do biến đổi khí hậu, cụ thể là do mưa lớn kéo dài trong vòng một tuần, gió mùa ập đến, triều cường lên cao... Ngoài ra, việc quản lý đô thị, quản lý xây dựng của cơ quan chức năng chưa quyết tâm, chưa triệt để, nên xảy ra việc lấn chiếm, xây dựng không phép; từ đó làm cản trở dòng chảy ở một số nơi. Những nhà dân bị ngập là những hộ từ nơi khác đến mua đất cách đây 10 năm. Họ sinh sống trong ngõ ngách, thung lũng, vùng sâu, nên khi xảy ra ngập thì bị chia cắt".

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS-TS Thái Thành Lượm, Hiệu trưởng trường Đại học Kiên Giang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc năm 2007-2008) cho biết: "Những ngày vừa qua có cơn bão số 3 tạo mưa lớn tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ,  trong đó có Phú Quốc. Tại Phú Quốc mực nước dâng rất cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống ở nơi địa hình thấp. Năm 2008, tôi đang công tác tại Phú Quốc (Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - PV) thì nơi đây cũng từng xảy ra ngập lụt, tôi đã chỉ đạo và trực tiếp chống ngập. Năm đó, sân bay Phú Quốc ngập sâu 20-30 cm, các chuyến bay cũng bị dừng lại. Các khu vực thấp cũng bị thiệt hại nặng nề, các nhà thùng nước mắm bị trôi mất hàng trăm tấn muối. 

Đợt ngập vừa qua, những nơi xây dựng tập trung ở Phú Quốc như trung tâm thị trấn Dương Đông và An Thới, nước dâng cao và rút có chậm hơn cũng là nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới ngập lụt là do xây dựng hạ tầng. Bởi khi xây dựng đều chú trọng đến hệ thống thoát nước, nhưng ngập trong thời gian ngắn và rất cao như thế, thì hệ thống thoát nước cũng không thể đảm bảo, khiến cho nước rút có chậm".

Cần có một giải pháp căn cơ

PGS-TS Thái Thành Lượm, Hiệu trưởng trường Đại học Kiên Giang cho biết: "Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần rà soát lại quy hoạch tổng thể của huyện Phú Quốc và có đề án quy hoạch hệ thống thoát nước mặt của các khu đô thị. Cùng với đó, khi xây dựng cần bám sát quy hoạch thoát nước mặt để đảm bảo cho việc phát triển bền vững của Phú Quốc, đề phòng khi mực nước biển  dâng quá cao và mưa to, như thế nước khi rút sẽ nhanh hơn, tránh thiệt hại cho người dân và các công trình công cộng".

Chú thích ảnh
Bến tàu ra từ Thành phố Rạch Giá,  Phú Quốc.

Ông Mai Văn Huỳnh cũng cho biết, trong thời gian tới, các ngành chức năng Phú Quốc sẽ thực hiện ngay việc khơi thông dòng chảy, động viên người dân tự giác tháo gỡ những công trình xây cất trái phép. Đồng thời, mời các nhà khoa học tới đánh giá tình hình và đưa ra dự báo về nước biển dâng, khí hậu cực đoan để địa phương có kế hoạch điều chỉnh lại quy hoạch.

"Trước mắt, Phú Quốc thành lập tổ xử lý nhanh các trường hợp vi phạm đối với những hộ tự ý xây cất nhà hay công trình lấn sông, suối. Đối với hạ tầng giao thông bị hư hỏng sau trận ngập lụt lịch sử vừa qua, chúng tôi đang kêu gọi các doanh nghiệp cùng với địa phương khắc phục theo hình thức xã hội hóa", Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết.

Ông Lê Quốc Anh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cho biết: "Chúng tôi cũng đề nghị UBND huyện Phú Quốc cùng các sở ngành liên quan sớm lập ngay bản đồ ngập úng do mưa như vừa qua, để từ đó có kịch bản thích ứng phù hợp nhất. Một số chuyên gia cũng đề xuất Phú Quốc nên có hệ thống thoát nước dạng kênh hở bằng bê tông để vừa tạo cảnh quan và giảm chi phí đầu tư". 

Về giải pháp lâu dài, Phú Quốc sẽ điều chỉnh, cập nhật quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu đô thị như Dương Đông, An Thới và các khu đô thị mới sao cho phù hợp với tốc độ phát triển của huyện Phú Quốc hiện nay. Đồng thời, đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông và An Thới; trình Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển đô thị, trong đó kết nối hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ tổng thể để có hệ thống cấp thoát nước, môi trường đồng bộ trên toàn huyện đảo.

Cuộc sống ở đảo ngọc Phú Quốc đã trở lại bình thường và sôi động như vốn có. Những bãi biển thơ mộng nơi đây đã và đang hút khách tìm đến, như chia sẻ của ông Mai Văn Huỳnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc: "Mong muốn du khách và nhà đầu tư tin tưởng tìm đến với Phú Quốc - một trong 10 điểm du lịch được các tạp chí du lịch quốc tế có uy tín đánh giá".

Được biết, ngày 2/9 huyện Phú Quốc sẽ tổ chức khởi công đường sát biển dài khoảng 12 km dọc Bãi Trường và triển khai công viên biển khoảng 100 ha ở khu vực này. Đây là không gian bờ biển mà Phú Quốc không giao cho doanh nghiệp từ xưa tới nay, mà dành  xây dựng theo quy chuẩn, là không gian của nhân dân, của khách du lịch.
Đăng Giới
Phú Quốc khắc phục các sự cố ngập lụt, đảm bảo phát triển du lịch
Phú Quốc khắc phục các sự cố ngập lụt, đảm bảo phát triển du lịch

Sau những ngày mưa bão và ngập lụt, cuộc sống đã trở lại bình thường và sôi động tại Phú Quốc, nơi được trìu mến gọi là "đảo ngọc".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN