Phớt lờ lệnh cấm, vẫn vô tư giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh

Mặc dù thành phố Hà Nội không cho phép giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh, nhất là khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nhưng hàng ngày, hàng ngàn con gia cầm sống vẫn được bày bán tràn lan, giết mổ ngay tại chỗ trong các chợ.

Gà, vịt "trốn" kiểm tra, kiểm soát

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, thành phố đã cấm giết mổ gia cầm tại các quận từ năm 2007. Đặc biệt, chế tài xử phạt tại Nghị định119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ, hành vi giết mổ động vật tại các địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, giết mổ sơ chế, chế biến không đảm bảo vệ sinh, dụng cụ, nước rửa… bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế hầu như các chợ dân sinh ở Hà Nội đều có một vài cửa hàng bày bán, giết mổ gia cầm sống. Hoạt động mua, bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra ngang nhiên ngay tại chợ.

Chợ Trại Găng (Bạch Mai) có vài điểm bán gia cầm ở góc chợ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại chợ Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), có 5 gian hàng bán gia cầm sống, luôn trong tình trạng nhớp nháp, ẩm ướt bất kể trời mưa hay nắng. Nguyên nhân là do người kinh doanh gia cầm giết mổ ngay tại chợ. Chất thải, nước thải được người bán hàng xả thẳng xuống lòng đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hơn nữa, tất cả các loại gia cầm sau khi bị cắt tiết đều được chủ hàng nhúng chung trong một nồi nước đun sôi, đặc quánh, đen ngòm lẫn đất, lông, phân gia cầm. Đặc biệt, đối diện với các cửa hàng này, chỉ cách vài bước chân là các gian hàng kinh doanh thực phẩm chín như: giò, chả, thịt quay, vịt quay…

Theo một người bán gia cầm ở đây, mỗi ngày một quầy có thể tiêu thụ được khoảng 50 con gà, ngan, vịt các loại. Vào những ngày lễ, tết thì nhiều hơn gâp đôi, gấp ba. Nguồn gà, vịt chủ yếu được đưa tới từ các chợ đầu mối lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Không nhiều như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Trại Găng (Bạch Mai) có vài điểm bán gia cầm ở góc chợ. Cũng như vậy, người bán hàng sau khi cắt tiết,thành phẩm được vứt ngay xuống mặt đất. Nước thải, máu bắn tung tóe, văng khắp nơi, chất thải gia cầm lênh láng, kết hợp với mùi xú uế, nồng nặc từ các lồng gà vịt sống… gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: “Lực lượng thú y địa phương đã tích cực vào cuộc nhưng không thể kiểm soát được hết tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ trong thành phố. Vì các các hộ giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng”.

Theo một bà nội chợ tại chợ dân sinh 8/3 (phố Kim Ngưu, Hà Nội), khi thấy có “bóng dáng” của đoàn kiểm tra, những người bán gia cầm sẽ cho hết gà, vịt, ngỗng. chim… vào một bao tải, giấu phiá sau cửa hàng. Khi đoàn công tác đi rồi, họ lại đem ra bày bán, giết mổ bình thường.

Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen sử dụng thịt ấm, giết mổ tươi hơn là sử dụng thịt đông lạnh. Đây là tập quán khó bỏ. Do vậy, bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Thanh Xuân cho rằng: “Để hạn chế việc giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ và quản lý dịch bệnh gia cầm, TP cần quy hoạch các điểm giết mổ gia cầm tập trung, có kiểm soát nguồn gốc. Đồng thời, quá trình vận chuyển sản phẩm gia cầm đã giết mổ phải có xe chuyên dụng để không làm ảnh hưởng đến môi trường”.

Ngăn chặn gia cầm nhập lậu


Để đề phòng dịch cúm gia cầm lây lan, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm, trong đó nêu rõ việc quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống và tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ. Xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 tại chợ.

 
Vận chuyển gia cầm sống gây nguy cơ ô nhiễm môi trường

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), qua giám sát, trung bình vẫn có 1 - 7% gia cầm, thủy cầm đặc biệt là vịt, ngan khỏe mạnh nhưng mang virus cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6.

Để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm, Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT đã tổ chức diễn tập phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội),  nhằm nâng cao ý thức và khả năng phản ứng của người chăn nuôi gia cầm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Sau chợ Hà Vỹ, tất cả các chợ trên địa bàn TP đều phải được triển khai công tác ứng phó với dịch cúm gia cầm. Chi cục cũng yêu cầu Trạm Thú y các quận, huyện, thị xã bám sát địa bàn. Tuyên truyền cho người dân, nếu phát hiện gia cầm nghi nhập lậu phải báo ngay cho Ban Quản lý chợ và lực lượng chức năng biết. Đồng thời thường xuyên tổ chức tẩy uế, tiêu độc khử trùng môi trường và lấy mẫu giám sát tình hình dịch”.

Còn theo ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ: “Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tiểu thương về sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Không bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Đội lưu động của huyện cũng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tuồn gia cầm lậu vào chợ”.

Bài và ảnh: H.V/Báo Tin Tức
Khó khăn trong kiểm soát dịch cúm gia cầm
Khó khăn trong kiểm soát dịch cúm gia cầm

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang, cho biết việc kiểm soát dịch cúm gia cầm của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN