Phối hợp phòng, chống IUU và tội phạm vi phạm trên biển

Ngày 14/6, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức hội nghị phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tội phạm vi phạm trên biển. 

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc kiểm tra, tuyên truyền đến chủ tàu cá về IUU và tội phạm vi phạm trên biển. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh là 5.409 chiếc; trong đó, tàu cá khai thác vùng khơi có 2.808 chiếc, chiếm tỷ lệ 52%. Số lượng tàu cá của tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.615 chiếc, đạt 92,83%.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Theo đó, thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá; ban hành quy chế, kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, tỉnh ký kết quy chế phối hợp với một số tỉnh như: Bình Thuận, Ninh Thuận và Kiên Giang trong việc quản lý, xử lý tàu cá vi phạm và khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

Tháng 4/2022, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết, triển khai chương trình phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trong việc quản lý các hoạt động liên quan đến thủy sản, chống khai thác IUU; phối hợp với Bộ Tư lệnh vùng 2  tổ chức Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Qua đó tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp tuyên truyền Luật Thủy sản và phổ biến công tác chống IUU, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài....

Các lực lượng chức năng của tỉnh cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát vùng biển ven bờ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phối hợp với Cảnh sát biển và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân kiểm tra, phát hiện xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thuộc vùng biển khơi; đồng thời, lập biên bản thông báo các vụ việc về UBND tỉnh để xử lý vi phạm hành chính. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều tra xác minh 18 tàu cá vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối 16 tàu cá, với tổng số tiền 386,5 triệu đồng.

Công an tỉnh cũng đã tiến hành điều tra, xử lý các hành vi tháo gửi thiết bị giám sát hành trình để trục lợi chính sách; phát hiện một số trường hợp ngư dân là thuyền trưởng, thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ; sau đó, không thông qua việc bảo lãnh chính thức của các cơ quan chức năng Nhà nước mà thông qua các đối tượng "môi giới" để trở về địa phương.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Biên phòng tỉnh cũng đã theo dõi giám sát trạm bờ, thông tin kịp thời danh sách tàu cá vượt ranh giới, mất tín hiệu kết nối trên biển đến các lực lượng Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đề nghị hỗ trợ bố trí lực lượng, phương tiện tiếp cận kiểm tra xử lý. Lực lượng chức năng đã phát hiện cảnh báo 40 tàu cá vượt ranh giới trên biển, các trường hợp này sau khi nhận được thông báo đã đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam; phát hiện cảnh báo 139 trường hợp mất kết nối quá 10 ngày.

Nhờ đó, tình hình tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra 1 vụ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, thời gian qua, đã có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhưng việc phối hợp, kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, chưa thống nhất khiến nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý nghiêm. Các đường dây môi giới, mốc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài chưa được điều tra, xử lý triệt để tạo răn đe, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài có giảm nhưng chưa chấm dứt, vẫn còn nguy cơ cao tái diễn.

Bên cạnh đó, tỉnh chưa xử phạt được trường hợp nào đối với các hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Việc điều tra, xác minh xử lý tàu vi phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều hạn chế do thuyền trưởng bị bắt giữ ở nước ngoài, chủ tàu tránh ngại cung cấp thông tin các lực lượng chức năng.

Hoạt động của Văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát chống khai thác bất hợp pháp IUU chưa đạt hiệu quả cao, do cán bộ được phân công lại kiêm nhiệm nhiều công việc ở các cơ quan nơi công tác....

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, các địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền cho ngư dân không để xảy ra tình trạng vi phạm đánh bắt trên biển. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn để nắm chặt tình hình tại địa phương, quản lý, giám sát chặt tàu cá…

Tại hội nghị, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Đại tá Vũ Trung Kiên cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc, các địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống IUU trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiến hành rà soát kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung những bất cập trong các văn bản pháp luật liên quan đến IUU và tội phạm vi phạm trên biển.

Ngòai ra, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đề nghị các lực lượng chức năng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, thực hiện các đề án quy hoạch, quản lý chặt chẽ các hoạt động nuôi trồng phát triển thủy sản, gắn khai thác biển với bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo đảm trách nhiệm của ngư dân trong đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ vùng biển quê hương…

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Quảng Ninh đã gỡ được 5/7 cảnh báo 'thẻ vàng' IUU
Quảng Ninh đã gỡ được 5/7 cảnh báo 'thẻ vàng' IUU

Quảng Ninh là một trong những địa phương trong nước bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” cảnh báo về khai thác hải sản bất hợp phép (IUU). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, sau nhiều nỗ lực, đến hết tháng 5/2022, đã có 5/7 cảnh báo của Ủy ban châu Âu cơ bản được đáp ứng, còn lại 2 cảnh báo tiếp tục được tháo gỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN