Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 900 tỷ USD, đã xác lập kỷ lục mới 52.577,50 USD, nhờ những dấu hiệu cho thấy nó đang dần được nhiều nhà đầu tư và công ty chấp nhận, như Tesla, Mastercard và BNY Mellon.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng bitcoin còn lâu mới được sử dụng rộng rãi như một phương thức thanh toán. Chuyên gia Harley Bassman của công ty Simplify Asset Management cho rằng bitcoin hiện tại không phải là một phương thức thanh toán hiệu quả cho những giao dịch khối lượng lớn, và nó chắc chắn cũng không phải là một cách thức lưu giữ giá trị, vì mức độ biến động giá ở mức 80% của đồng tiền này cao gấp 12 lần đồng euro và gấp bảy lần đồng ruble (rúp) của Nga.
Giá bitcoin đã tăng gấp tám lần kể từ tháng Ba năm ngoái và đã thêm hơn 700 tỷ USD vào giá trị thị trường kể từ tháng Chín. JPMorgan đã đặt dấu chấm hỏi về mức tăng này khi mà các nhà đầu tư tổ chức chỉ “rót” tổng cộng 11 tỷ USD. Theo các chuyên gia của ngân hàng này, nguồn cung giới hạn của bitcoin đã khiến những người nắm giữ đồng tiền này thu phí để đưa bitcoin ra thị trường. Dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể đã góp phần đẩy giá trị của bitcoin tăng cao. Ông Anthony Scaramucci, nhà sáng lập quỹ phòng hộ SkyBridge Capital, dự đoán bitcoin sẽ chạm mốc 100.000 USD trước cuối năm nay.
Hiện tại, khoảng 78% lượng bitcoin đã phát hành đã bị mất hoặc đang nằm trong tay những người nắm giữ mà họ hầu như không có ý định bán đi. Điều này có nghĩa là chỉ còn chưa đến 4 triệu bitcoin còn lại cho những người bước chân vào thị trường này trong tương lai, bao gồm các nhà đầu tư có tổ chức lớn như PayPal, Square, các công ty có tên trong chỉ số S&P 500, và các quỹ giao dịch, theo công ty cung cấp dữ liệu blockchain Glassnode.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của JPMorgan, giá bitcoin sẽ không bền vững trừ khi mức độ biến động giá của đồng tiền này giảm nhanh. Mức độ biến động giá trong ba tháng của bitcoin lên đến 87% trong khi con số này của vàng chỉ ở mức 16%.