Tuy nhiên, để đánh giá sâu hơn chất lượng của xây dựng nông thôn, các chuyên gia sẽ phân tích kỹ các chuyển biến trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động gắn với chuyển đổi nông thôn - đô thị để định hướng rõ hơn những nhiệm vụ cần đặt ra trong giai đoạn tới. Dưới đây là các ý kiến được phóng viên TTXVN ghi lại.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tái cơ cấu theo yêu cầu thời đại
Những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua chưa làm được thì thời gian tới phải đặt ra để giải quyết những vấn đề của chính mình. Việt Nam đang chuyển sang thời đại khác với công nghệ rất cao, thị trường thế giới đã biến đổi nên nhiệm vụ đặt ra thời gian tới là tái cơ cấu phải theo yêu cầu thời đại, thị trường, chứ không chỉ là giải quyết những vướng mắc trong 10 năm qua.
Theo đó, yêu cầu của thời đại là công nghệ, thị trường thế giới. Nếu chúng ta không làm được, việc xây dựng nông thôn mới sẽ rất phiến diện và sẽ không thành công.
Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn cần nguồn lực riêng. Để tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp cần phân tích đúng nguồn lực. Nguồn lực thay đổi qua các giai đoạn và các điều kiện bảo đảm vận hành. Phân bổ nguồn lực “đúng người, đúng việc” sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu chúng ta không nhận dạng được các nguồn lực cụ thể và cần cơ chế gì thì khó có thể làm được. Bởi khi đưa công nghệ vào, vai trò của đất đai, lao động sẽ thay đổi.
Về chủ thể, bây giờ thêm một yếu tố là doanh nghiệp. Cần nhận diện đúng vai trò của doanh nghiệp trong cấu trúc phát triển nông nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay là doanh nghiệp trong thời đại hội nhập nếu không có hỗ trợ tốt thì doanh nghiệp “chưa đứng dậy đã chết”.
Cơ chế vận hành phải gắn với thị trường quốc tế. Giờ thêm nhân tố buộc cơ chế phải thay đổi đó là doanh nghiệp. Do đó cần nhận dạng đúng vai trò của nông dân, doanh nghiệp, nhà nước trong thời đại mới.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Đem đô thị về nông thôn
Nông thôn phát triển nhanh nhưng đô thị phát triển còn nhanh hơn. Nông thôn phát triển nhanh nhưng nói về đa chiều thì nông thôn ngày càng có khoảng cách với đô thị. Hiện 30% thu nhập nông thôn vẫn phụ thuộc vào đô thị nên vẫn còn tình trạng di cư ra đô thị. Điều này tạo sức ép cho cả hai phía.
Thời gian tới cần xây dựng mô hình phát triển bao trùm. Tức là cả hai chu kỳ lao động cho sản xuất nông nghiệp lẫn lao động cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ đều nằm trên địa bàn nông thôn. Như vậy, lao động sẽ là lao động chất lượng cao, thu nhập cao. Điều này sẽ giúp lao động “ly nông bất ly hương”.
Theo quy luật phát triển, khi đất nước hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, phần lớn lao động nông thôn sẽ chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp và hầu hết cư dân nông thôn phải trở thành thị dân. Vì thế, quá trình xây dựng nông thôn mới phải từng bước bắc được cây cầu lan tỏa phát triển kinh tế từ đô thị về nông thôn, từng bước chuyển đổi xã hội nông thôn trở thành đô thị. Ngay từ việc xây dựng tiêu chí đến quy hoạch nông thôn phải gắn liền với việc phát triển đô thị và phát triển nông nghiệp phải gắn với chuyển đổi sinh kế của lao động sang phi nông nghiệp.
Do đó, đô thị cần phát triển ngay từ nông thôn. Quá trình phát triển đô thị sẽ gắn liền với phát triển nông thôn. Trong vòng 10 năm tới, tiêu chí nông nông thôn mới, phân cấp nông thôn mới không chỉ có nông thôn, mà những vùng có thể phát triển thành đô thị thì trở thành đô thị.
Đi theo con đường mới, chúng ta phân cấp chức năng cho đô thị nhỏ, phát triển đô thị vệ tinh ở thành phố lớn, xây dựng các trục đường chính, phát triển công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp và đặc biệt là phát triển đô thị địa phương, đô thị hóa nông thôn. Hy vọng chúng ta sẽ có một chiến lược mới không chỉ là nông thôn, không chỉ là tái cơ cấu mà là đổi mới mô hình tăng trưởng đất nước.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: Phát triển kinh tế tuần hoàn
Để phát huy hiệu quả của sản xuất, kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng, được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là liên minh châu Âu. Những vấn đề về quản lý và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trước những áp lực của suy giảm tài nguyên, gia tăng chất thải và biến đổi khí hậu là thách thức đối với Việt Nam. Kinh tế tuần hoàn được xem là cách tiếp cận phù hợp cho phát triển nông nghiệp theo xu hướng phát thải bằng không đạt hiệu quả kinh tế và môi trường trong nông nghiệp.
Trong bối cảnh thực hiện thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân cùng tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Đó là môi trường với hệ thống luật pháp rõ ràng, lộ trình phù hợp, có các hình thức khuyến khích và chế tài rõ ràng, minh bạch. Từ đó, các mô hình kinh tế tuần hoàn tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần dựa trên các mô hình đã có phù hợp đặc trưng của vùng miền và từng lĩnh vực của nông nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp kết hợp với công nghệ cao.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp ngành nông nghiệp bớt phụ thuộc vào các điều kiện thay đổi của thiên nhiên, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đặc biệt, công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên nước và tài nguyên đất. Trong bối cảnh mới, đây là yêu cầu tối quan trọng để duy trì nông nghiệp bền vững.