Phát triển năng lực doanh nghiệp là yếu tố then chốt trong tái cơ cấu nền kinh tế

Phát triển lực lượng doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025.

Chú thích ảnh
Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chia sẻ tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 14/12, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm khác so với giai đoạn trước. Đáng chú ý, kế hoạch lần này đã thống nhất quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá liên quan đến khoa học công nghệ.

Chia sẻ thêm về mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, bà Minh cho biết, cần đạt được sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế chủ lực, phải có sự chuyển biến thực chất rõ nét về mô hình tăng trưởng; sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp có sự phát triển và nâng cao sức chống chịu và thích ứng trước những diến biến phức tạp từ bên trong cũng như bên ngoài. Đặc biệt, cần hình thành rõ những cơ cấu hợp lý trong từng ngành từng lĩnh vực; cũng như có sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch 2021-2025 là tạo ra khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp. Bà Minh cho biết, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thể chế cho doanh nghiệp là hỗ trợ quan trọng nhất.

“Khi tạo ra thể chế đúng, thể chế thuận lợi sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển vươn lên trong bối cảnh hiện nay”, bà Minh nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

"Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới nên doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp.", ông Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng doanh nghiệp phải tính tới việc tái cơ cấu khi xuất hiện những “triệu chứng” thuộc về “hạ tầng cơ sở” liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả hoạt động hàng ngày như thị phần đang bị thu hẹp làm doanh số sụt giảm, công nợ nhiều làm cơ cấu tài chính không phù hợp và tăng chi phí sử dụng vốn... Việc tái cơ cấu cũng cấp thiết không kém bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...

Còn ông Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Ecomomica Việt Nam cho rằng, 98% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo tài liệu Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, doanh nghiệp siêu nhỏ thua lỗi tới 71,3 ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ thua lỗ khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng; doanh nghiệp  vừa có lãi 27,1 tỷ đồng, doanh nghiệp lớn lãi 937,4 nghìn tỷ đồng.

“Muốn có một khu vực doanh nghiệp bền vững, đóng góp cho nền kinh tế một cách bền vững, chúng ta cần phải chú ý đến khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, ông Bình nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa của doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Bình là trên 50% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đang thua lỗ hoặc hòa vốn. Với tỷ trọng như vậy rất khó để mở rộng sản xuất, tích tụ tư bản, nâng quy mô của mình lên. Chỉ 43% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

“Khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững của doanh nghiệp Việt Nam cũng là vấn đề cần lưu tâm”, ông Bình nói và đặt vấn đề làm sao để doanh nghiệp có bức tranh tươi sáng hơn về tài chính, quy mô trong giai đoạn tới.

Về khu vực doanh nghiệp nhà nước, ông Bình cho rằng cần tiếp tục cải cách trong thời gian tới. Hiện nay doanh nghiệp nhà nướ đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính sài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nhà nước về doanh thu và lợi nhuận ngày càng giảm mạnh. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Phát triển hạ tầng thương mại trong thế giới số - Bài cuối: Chiến lược tái cấu trúc thị phần
Phát triển hạ tầng thương mại trong thế giới số - Bài cuối: Chiến lược tái cấu trúc thị phần

Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại (FTA) với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới, góp phần tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ cả về quy mô sản xuất lẫn vị thế thế trên thị trường toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN