Sản xuất và tiêu thụ hoa cây cảnh đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất của ngành hoa, cây cảnh vẫn còn hạn chế do thiếu kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Tại Hội thảo “Thực trạng và định hướng nghiên cứu, sản xuất và xúc tiến thương mại ngành hoa, cây cảnh ở Việt Nam” tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, các chuyên gia nông nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành sản xuất hoa, cây cảnh phát triển hơn nữa.
Thiếu kênh phân phối
“So với năm 1995, diện tích trồng hoa, cây cảnh năm 2013 đã tăng gần 5 lần, sản lượng tăng gần 27 lần (đạt hơn 6.000 tỷ đồng). Xuất khẩu xấp xỉ 40 triệu USD, thu nhập của người nông dân cũng tăng gần 5 lần”, TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện FAVRI, Giám đốc trung tâm nghiên cứu hoa, cây cảnh cho biết.
Chợ hoa Quảng Bá (Hà Nội) quá chật chội so với nhu cầu của người trồng và mua hoa. |
Tại nhiều vùng, miền, ngành trồng hoa, cây cảnh có tốc độ phát triển khá nhanh so với các ngành nông nghiệp khác, đem lại thu nhập cho người nông dân, hình thành nhiều khu trồng hoa lớn như: Tây Tựu, Mê Linh, Nhật Tân (Hà Nội), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Tuy nhiên, ngay cả các thành phố lớn, có nhu cầu tiêu thụ hoa tươi lớn như Hà Nội vẫn chưa có một chợ hoa thương mại đủ lớn để người dân có chỗ giới thiệu và bán sản phẩm của mình. “Dân trồng hoa nhiều khi “khóc” vì hoa, họ không có chỗ bán hàng. Trong khi người mua không có chỗ để mua, vì chợ hoa lớn nhất Hà Nội là Quảng Bá vẫn còn quá nhỏ. Cả Hà Nội chưa có một chợ hoa thương mại đúng nghĩa”, TS Đặng Văn Đông chia sẻ.
“Chúng ta chưa thấy hết nỗi khổ của người dân trồng hoa, 3 giờ sáng đã phải đưa hoa ra chợ Quảng Bá (Hà Nội), nhưng lại không có chỗ để đứng bán, bị các lực lượng chức năng đuổi đi. Người mua cũng không có đường vào chợ. Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng chưa quy hoạch được một chợ hoa đúng nghĩa”, TS Đặng Văn Đông cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Thị trường tiêu thụ hoa ở Việt Nam vô cùng tiềm năng, dân số đông, người dân Việt Nam lại có nhiều dịp lễ cần sử dụng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hoa vẫn còn rất yếu, gần như hoa chưa xuất hiện trong các siêu thị, chủ yếu phân phối theo mô hình truyền thống, một chợ bán hoa chuyên nghiệp vẫn chưa hình thành để phục vụ cho người dân, khách du lịch”.
Nghiên cứu, sản xuất phải gắn với thị trường
Theo các chuyên gia, điều kiện khí hậu đa dạng và có bốn mùa trong năm, Việt Nam rất phù hợp với trồng hoa. Do vậy, chúng ta có rất nhiều tiềm năng, trồng các loại hoa, cây cảnh đa dạng để xuất khẩu.
Tuy nhiên, TS Đặng Văn Đông cho rằng: “Trong thời gian qua, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, tạo ra nhiều giống hoa mới, xây dựng các quy trình kỹ thuật, chuyển giao cách trồng hoa cho người dân. Có hộ đầu tư hàng tỉ đồng để trồng hoa, chất lượng hoa được sản xuất ra hoa không kém hoa nhập khẩu. Nhưng công tác thương mại còn rất yếu nên vẫn khó tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước hết, ở những thành phố lớn như Hà Nội, cần có một trung tâm bán hoa tập trung, giúp người dân trồng hoa ven đô và các tỉnh lân cận tiêu thụ sản phẩm”.
“Nếu để trống thị trường trong nước, tức là nhường sân cho hoa nhập khẩu hoặc những nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu phải gắn chặt với doanh nghiệp, lấy tín hiệu thị trường chấp nhận là thước đo. Không nên nói rằng, ta tạo ra một giống hoa mới, đặc thù thì tự hào, quan trọng là có thị trường tiêu thụ, có bán được không”, ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu cần chủ động về giống hoa, thay cho chỉ phụ thuộc nhập khẩu như hiện nay. “Một số giống hoa đơn giản như: Hồng, Thược Dược... chúng ta có thể nhân giống được, nhưng một số loại hoa đắt tiền như: Lan Hồ Điệp, Ly vẫn phải nhập khẩu giống gần như 100% nhập từ Hà Lan, châu Mỹ La Tinh. Nếu tiếp tục duy trì kiểu “ăn sẵn”, thì chúng ta khó xuất khẩu vì không có giống bản quyền”, ông Nguyễn Quang Thạch, Chuyên gia nghiên cứu của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Do vậy, “Chúng tôi mong muốn, Nhà nước giúp đỡ ngành hoa, cây cảnh kinh phí để tăng cường đầu tư, nghiên cứu, chủ động được giống hoa, biến ngành trồng hoa, cây cảnh thành một nghề mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng”, TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả, Giám đốc trung tâm nghiên cứu hoa, cây cảnh đề xuất.
Hữu Vinh