Phát triển cây dược liệu vùng Tây Bắc: Nguồn tài nguyên vô giá

Đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng đã tạo cho Tây Bắc một hệ thực vật rừng phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên cây thuốc. Những kinh nghiệm về chế biến và sử dụng cây thuốc trong các bài thuốc ở cộng đồng dân tộc Tây Bắc là vô cùng lớn và là nguồn tài nguyên vô giá.

Đòi hỏi kỹ thuật cao


Theo các nhà khoa học về dược liệu, mặc dù nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức dân tộc trong sử dụng cây thuốc phong phú nhưng tình hình nghiên cứu cây thuốc và tri thức bản địa về cây thuốc ở vùng Tây Bắc còn khá khiêm tốn.

Thu hoạch mướp đắng (khổ qua) - loại thảo dược trồng phổ biến ở các tỉnh vùng Tây Bắc.


Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến việc khai thác và phát triển nguồn tài nguyên tri thức bản địa về cây thuốc và sử dụng cây thuốc trong các cộng đồng dân tộc tại Tây Bắc có nhiều hạn chế. Cây dược liệu là một sản phẩm của ngành trồng trọt đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật tiên tiến cao hơn hẳn kỹ thuật trồng trọt các cây lương thực và thực phẩm. Chế biến cây dược liệu thành các dược phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và cạnh tranh thắng lợi với các sản phẩm đông dược từ nước ngoài đương nhiên đòi hỏi công nghệ sau thu hoạch phải đạt trình độ cao hơn nhiều so với công nghệ chế biến các nông sản thông thường.

Do đó, đồng thời với kết quả hiển nhiên là tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc, sự phát triển trồng trọt và chế biến cây dược liệu còn gián tiếp góp phần phát triển đội ngũ các chuyên gia khoa học và một lực lượng đông đảo người lao động có trình độ kỹ thuật cao, thúc đẩy việc hiện đại hóa toàn bộ ngành trồng trọt và công nghệ sau thu hoạch trong tỉnh.

Theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cây dược liệu là một sản phẩm đặc thù của ngành nông nghiệp, đòi hỏi sự tham gia của những cán bộ khoa học ngay tại các cơ sở sản xuất. Do đó đồng thời với cơ sở vật chất hiện đại, một đội ngũ cán bộ khoa học tài năng cũng là một thành phần quan trọng của nền tảng phát triển dược liệu. Có một hệ thống cơ sở nông nghiệp trồng cây theo GAP và các thiết bị hiện đại của hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu phát triển dược liệu là rất cần thiết, nhưng chưa đủ mà còn phải có một số lượng nhất định các chuyên gia khoa học sử dụng có hiệu quả các thiết bị của hệ thống các phòng thí nghiệm đó. “Đào tạo đội ngũ chuyên gia là việc cấp bách phải làm ngay trong năm 2015 thì đến năm 2018 mới có thể thực sự bắt tay vào công việc tại các cơ sở của Trung tâm tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Hà Giang”, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu khẳng định.

Chưa khai thác hết thế mạnh

Hà Giang là một trong các địa phương vùng Tây Bắc có nhiều điều kiện phát triển cây dược liệu. Ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, ngày 27/2/2015, tại Văn bản số 287/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện nghèo 30a tỉnh Hà Giang.

Để phát huy lợi thế về phát triển cây dược liệu, Hà Giang đã có nhiều chính sách cụ thể: Ban hành quyết định 934, hỗ trợ 100% giống, phân bón để trồng các cây dược liệu (thảo quả, ấu tẩu, hương thảo, gừng, nghệ...) đối với các huyện thuộc diện 30a; hỗ trợ 30 triệu đồng cho một hợp tác xã được thành lập mới; ký kết hợp tác khoa học và đào tạo cán bộ với trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông Nghiệp I - Hà Nội, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, phối hợp Viện Dược liệu thực hiện đề tài khoa học điều tra xây dựng chiến lược phát triển dược liệu của tỉnh…

Tuy nhiên, thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, Hà Giang chưa khai thác mạnh mẽ thế mạnh này để phục vụ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của tỉnh, các loại cây dược liệu được trồng nhỏ lẻ manh mún, chưa có quy hoạch phân vùng để phát triển mạnh mẽ, qui trình trồng, chăm sóc, thu hái chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống chưa theo các qui chuẩn của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Quá trình tiêu thụ chủ yếu phơi khô và bán cho các người thu gom nhỏ, giá trị thấp, giá cả bấp bênh, cạnh tranh mua bán, ép giá, ép cấp, chất lượng không có kiểm soát... dẫn đến uy tín các sản phẩm ngày càng mất dần trên thị trường.

Do đó, trong những giải pháp trong hiện thực hóa chủ trương “Xây dựng Hà Giang thành vùng trọng điểm quốc gia về Dược liệu” cũng như để phát triển cây dược liệu ở cả vùng Tây Bắc cần xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy việc phát triển một số loài dược liệu có tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao gắn các vùng dược liệu để phục vụ cho các sản phẩm thuốc quốc gia. Cần liên kết công tư (nhà sản xuất - nhà khoa học - doanh nghiệp - người sản xuất) để phát triển, bảo tồn, khai thác, chế biến và tiêu thụ dược liệu trong vùng.

Đặc biệt, cần sớm xây dựng “Vườn bảo tồn, phát triển cây thuốc quốc gia” gắn các khu Bảo tồn thiên nhiên, nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu, tái tạo các nguồn gen quý, giống có năng suất, chất lượng cao.
Nguyễn Viết
Phát triển dược liệu thành hàng hóa
Phát triển dược liệu thành hàng hóa

Những năm qua, vùng Tây Bắc đang hướng tới phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến… nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN