Phát triển dược liệu thành hàng hóa

Những năm qua, vùng Tây Bắc đang hướng tới phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến… nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực.

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang: Rà soát diện tích và phát triển cây trồng có lợi thế


Hà Giang có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú. Trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, tác dụng sinh học, công năng điều trị và có giá trị cao về kinh tế chính là một lợi thế tiềm năng của tỉnh.

Theo báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2025 thì trong các loài cây thuốc này, có 894 loài mọc hoàn toàn trong tự nhiên, 111 loài hoàn toàn được trồng trọt và 96 loài vừa được trồng, vừa mọc tự nhiên. Trong tổng số gần 11.000 ha các loại cây dược liệu thì cây thảo quả chiếm trên 9.000 ha; còn các loại cây khác diện tích nhỏ, phân tán, sản phẩm chủ yếu nhân dân tự trồng khai thác và tiêu thụ nên dù có nhiều tiềm năng về các loại dược liệu quý song chất lượng sản phẩm và giá thành không cao dẫn đến thu nhập của người trồng thấp. Để phát triển cây dược liệu thành cây chủ lực của tỉnh, cần tổ chức sản xuất theo định hướng: Đối với cây thảo quả, rà soát lại diện tích đã trồng, hướng dẫn nhân dân thâm canh, chăm sóc nâng cao năng suất, không mở rộng diện tích trồng thảo quả dưới tán rừng già, rừng tự nhiên mà chỉ phát triển cây thảo quả ở các khu vực rừng trồng có độ ẩm cao.

Nghiên cứu, hướng dẫn cho nông dân phương pháp sấy thảo quả tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng thảo quả. Đối với các loại cây dược liệu khác đã có ở địa phương, thì tiến hành rà soát, thống kê diện tích nhân dân đã trồng hoặc có trong tự nhiên để phân loại các loại dược liệu có giá trị từ đó có kế hoạch nhân giống và phát triển. Với các loại cây dược liệu quý nhập nội để trồng có sản phẩm cung cấp theo yêu cầu thị trường xuất khẩu cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu kỹ về đặc tính sinh học để trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của cây trồng nhập nội và quy hoạch trồng thành vùng tập trung để đảm bảo các điều kiện về theo dõi, chăm sóc, thu hoạch, chế biến…

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Ban phụ trách Ban Chỉ đao Tây Bắc: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại dược liệu, vùng Tây Bắc có tiềm năng phát triển trồng và chế biến cây dược liệu như một thế mạnh nhằm tăng doanh thu, cải thiện đời sống của bà con địa phương, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn người lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Để phát huy hiệu quả Đề án phát triển cây dược liệu, ngoài quyết tâm và định hướng đúng, còn cần nhiều yếu tố khác như nguồn vốn đầu tư, về cơ sở hạ tầng, sự phối hợp vào cuộc đồng bộ của 4 nhà: Nhà khoa học - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Dược liệu là tài nguyên di truyền - tài nguyên tái tạo. Dùng thế mạnh dược liệu đẩy mạnh công nghiệp hóa dược và công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, làm cho nhân dân ta có đủ thuốc tốt, khỏe mạnh và giàu có, làm cho các vùng kinh tế còn khó khăn, tiến và đuổi kịp các vùng khác trong cả nước… Với sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm cao của các địa phương, với sự ủng hộ của các bộ, ngành cộng với sự phối hợp, hợp tác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự lao động cần cù, có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của người lao động địa phương, chắc chắn ngành trồng và chế biến dược liệu sẽ trở thành thế mạnh của vùng Tây Bắc.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN: KH&CN đóng góp 30% giá trị gia tăng


Động lực chính đem lại những thành tựu trong phát triển của nông nghiệp, nông thôn nước ta những năm qua chính là sự đổi mới trong cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp mà trụ cột của nó là phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Trong đó sự đóng góp của khoa học và công nghệ là một trong những nhân tố chủ yếu tạo nên sự thành công đó. Theo các chuyên gia kinh tế của FAO thì khoa học và công nghệ đóng góp tối thiểu 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong nước cho rằng KH&CN còn đóng góp ở mức cao hơn.

Các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn, tạo giống mới các giống dược liệu có tiềm năng về năng suất và chất lượng, phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng vùng. Chuẩn hóa nguồn dược liệu đã trở thành bài toán then chốt quyết định chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm ngành dược. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc chế biến, bảo quản dược liệu và sản xuất thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu để có những sản phẩm thương mại.

Đối với địa phương và người trồng dược liệu, cần tránh tình trạng cung ứng dược liệu không rõ nguồn gốc, không đúng chủng loại yêu cầu, dược liệu có hiệu quả tác dụng kém và không an toàn, còn chứa dư lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học, kim loại nặng, tạp chất gây bệnh... Tăng cường áp dụng phương pháp phòng trừ kết hợp dùng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm phân bón có nguồn gốc thực vật, vi sinh vật để sản xuất nguyên liệu an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái. Cần thực hiện việc xen kẽ trồng dược liệu với các cây lương thực. Giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà quản lý- nhà khoa học là giải pháp cần thiết để phát triển ngành dược liệu.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco: Hợp tác để phát triển dược liệu


Công ty CP Traphaco đã thành công bước đầu với mục tiêu “Nguyên liệu xanh” trong chiến lược “Con đường sức khỏe xanh” bằng giải pháp phối hợp 6 nhà (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà truyền thông – Người sử dụng) tạo cho mình một sức mạnh tổng hợp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sự thành công đó dựa trên nắm bắt đầy đủ những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức của công ty cùng với sự chung tay góp sức của các đơn vị, các “Nhà” (Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà truyền thông, Người sử dụng) trong những mối quan hệ phát triển. Chỉ có hợp tác mới giúp tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới đồng thời cũng giúp chúng ta có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thời hội nhập và tự do thương mại.q
Chí Bình
Trồng cây dược liệu  gắn với du lịch
Trồng cây dược liệu gắn với du lịch

Với lợi thế là vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ, hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều mô hình phát triển trồng cây dược liệu, đồng thời gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN