Phát triển bền vững nghề cá - Bài cuối: Quy hoạch chặt chẽ

Nuôi biển đang trở thành sự lựa chọn đầy triển vọng của nghề cá Việt Nam nói chung và của những ngư dân đánh bắt xa bờ chuyển đổi sản xuất nói riêng.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi biển ở Bãi Nam, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tuy nhiên, để tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, vỡ trận khi sản phẩm cung vượt cầu, không đáp ứng được các tiêu chuẩn của người tiêu dùng quốc tế,… sự chuyển đổi cần một quy hoạch chặt chẽ, rõ ràng và đồng bộ ở các địa phương giữa người nuôi, nhà thu mua, nhà chế biến xuất khẩu và các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hướng đến quy mô công nghiệp

Phát triển nuôi biển là hướng đi được các chuyên gia kinh tế và môi trường đánh giá cao. Hướng đi này tạo điều kiện cho Việt Nam đến gần với các quốc gia tiên tiến đang đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường; trong đó, có bảo vệ môi trường sinh thái biển. Tuy nhiên, để hướng đi này bền vững, nhiều chuyên gia nhận định, ngành nuôi biển cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, hướng đến quy mô công nghiệp để tồn tại. 

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để có thể đáp các yêu cầu của người tiêu dùng, nguồn hàng phải đảm bảo đủ, đều và chất lượng vào bất kì thời điểm nào mà người tiêu dùng yêu cầu. Do đó, các địa phương ven biển cần tổ chức lại sản xuất, cải tiến công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu; phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, theo quy mô công nghiệp, có liên kết chuỗi giữa người nuôi và thu nhà thu mua, cung ứng ra thị trường, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cần có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất nguồn gốc. 

Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi biển cần áp dụng công nghệ nuôi hiện đại như: công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ tạo dòng chảy, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái, bảo đảm sức tải môi trường, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. 

Cùng với nỗ lực của người nuôi, nhà tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chuẩn quốc gia về trại giống hải sản; ban hành quy định cụ thể về kiểm soát giống hải sản; bổ sung trại sản xuất mang tính công nghiệp vào đối tượng được vay vốn theo chính sách phát triển thủy sản. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các địa phương cũng có chính sách hỗ trợ thiết lập trại giống hải sản hiện đại; xây dựng sàn giao dịch giống hải sản, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.

Vấn đề cốt lõi để thực hiện nuôi biển theo quy mô công nghiệp chính là từng bước thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Quy hoạch bền vững

Trong chuyến khảo sát về phát triển nuôi biển tại tỉnh Kiên Giang là địa phương có bước đột phá về chuyển đổi nuôi biển mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh Kiên Giang tập trung tái cấu trúc lại ngành thủy sản, giảm cơ cấu khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng, tạo việc làm cho lao động nuôi trồng, giảm lao động khai thác. Để làm được điều này, các đơn vị nghề cá Việt Nam và nghề cá Kiên Giang cần có một quy hoạch cụ thể, cùng chính sách đi kèm để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi này thuận lợi phát triển. 

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Dũng nhìn nhận, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ những xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực nuôi biển trên thế giới, bao gồm: chuyển từ các trại nuôi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển từ vùng nước ven bờ, nơi có hệ sinh thái nhạy cảm và dễ chồng lấn với các hoạt động kinh tế khác ra vùng biển xa bờ và tiến dần ra nuôi ngoài đại dương

Bên cạnh đó, chuyển từ mô hình hộ gia đình sang doanh nghiệp nuôi biển, nhờ các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư có vai trò của nhà nước; thiết lập quy hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, tăng cường công cụ quản lý nhà nước và cơ chế đồng quản lý theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Ngoài ra, xây dựng hệ thống cảnh báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh nuôi biển; thiết lập và phát triển chuỗi giá trị, liên kết trại nuôi với hệ thống mạng lưới cung cấp thức ăn, con giống, các cơ sở chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Song song với những yêu cầu về quy hoạch tổng thể chuyển đổi sang nuôi biển, mỗi địa phương có biển cũng có những quy hoạch riêng, phù hợp với đặc trưng của từng nơi. Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang cho biết, đối với các địa phương có quy hoạch nuôi cá lồng bè ven biển, đảo, cần thực hiện đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về vị trí đặt lồng, số lượng lồng, bảo vệ môi trường khu vực nuôi. Người nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá. Phân công người trực canh trên bè 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước và đưa ra các giải pháp ứng phó thích hợp.

Không những vậy, các địa phương thực hiện chuyển đổi từ khai thác, đánh bắt hải sản sang nuôi biển tập trung thực hiện hiệu quả quy trình phòng bệnh tổng hợp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, như: chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, cá khỏe mạnh.... 

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, từ năm 2012, Việt Nam đã có mặt trên bản đồ những nước nuôi cá biển hàng đầu thế giới. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư thì sản lượng nuôi biển hàng năm bao gồm tôm và tôm hùm, cá biển, trai ngọc, nhuyễn thể khác, tảo và rong biển, các hải sản khác sẽ có thể tăng mạnh trong những năm tới.

Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Hiện nay, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ… 

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu như trên, ngành nuôi biển không thể tiếp tục phát triển theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, mà phải chuyển sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển, đảm bảo phát triển bền vững.

Hồng Nhung – Thanh Trà (TTXVN)
Phát triển bền vững nghề cá - Bài 2: Chuyển hướng sản xuất
Phát triển bền vững nghề cá - Bài 2: Chuyển hướng sản xuất

Mặc dù nghề nuôi biển chỉ mới phát triển và mở rộng trong 10 năm trở lại đây, nhưng nhiều ngư dân nhận thấy tiềm năng, triển vọng và lợi nhuận mang lại từ nuôi biển là rất tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN