Do đó, quản lý khu bảo tồn biển hiệu quả sẽ góp phần lớn thực hiện chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
Vẫn còn bất cập
Biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học với hơn 11.000 loài sinh vật được phát hiện. Tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên và nguồn lợi thủy sản là thế mạnh trong phát triển ngành kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng, đặc biệt là thiết lập các khu bảo tồn biển.
Thực hiện Quyết định số 742 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2010, mạng lưới 16 khu bảo tồn biển đang từng bước được thiết lập và hoàn thiện nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, song chỉ có 2/10 khu bảo tồn biển có Ban quản lý hoạt động thực sự mang lại hiệu quả như yêu cầu đặt ra.
Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), các khu bảo tồn biển ở Việt Nam chỉ dành 1% diện tích bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi đó quy định thế giới phải là 30%. Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra như sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; ô nhiễm môi trường biển… đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển.
Các khu bảo tồn biển ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang… đang là điểm “nóng” do sự phát triển của các cơ sở du lịch thiếu bền vững. Đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo bởi bảo tồn biển hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho việc bảo vệ hệ sinh thái biển, phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản của Việt Nam.
Áp dụng mô hình đồng quản lý
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, cần áp dụng đại trà mô hình đồng quản lý các khu bảo tồn biển. Vì để quản lý hiệu quả hoạt động vừa khai thác, vừa bảo tồn có tính chất phức tạp như khu bảo tồn biển, chính người dân địa phương là nhân tố tích cực nhất trong việc bảo tồn, giám sát, quản lý các hoạt động trong khu vực biển.
Thực tế cho thấy mô hình đồng quản lý đã và đang được áp dụng rất thành công ở nhiều khu bảo tồn như: Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ… Tại đây, giải pháp mà mô hình đồng quản lý hướng tới là thống nhất hoạt động giữa 3 khối: Nhà nước với nhiệm vụ quản lý vĩ mô; khối các bên liên quan trong hoạt động thực nghiệm khoa học và khối cộng đồng địa phương.
Cộng đồng cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích với Nhà nước theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi”. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà còn giúp tăng thu nhập của cộng đồng từ việc bảo vệ tốt tài nguyên và các mô hình sinh kế thay thế, các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng.
Đặc điểm của các khu bảo tồn biển là không tạo ra giá trị vật chất trực tiếp (ngoại trừ một số hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học), nhưng giá trị về hệ sinh thái, năng suất các loài thủy sản, giá trị bảo tồn nguồn gen… mang lại rất lớn. Nên phải làm cho người dân, đặc biệt là các nhà quản lý hiểu được giá trị và từ đó thay đổi nhận thức về khu bảo tồn biển, nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân chuyển đổi sinh kế… Ngoài ra, biển là không gian mở, do đó cần xem xét cách thức thành lập bảo tồn biển xuyên biên giới để tạo ra các khu vực bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học biển và hợp tác quốc tế vì hòa bình - hữu nghị.