Tàu được đóng với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp của tỉnh. Tàu có chiều dài 12 mét, rộng 3,4 mét và chiều cao mạn 1,5 mét, công suất 230CV, vận tốc 10 hải lý/giờ; được đầu tư trang thiết bị hiện đại gồm: Hệ thống máy định vị, hải đồ, đo sâu, dò cá, ống nhòm hàng hải, hệ thống cứu hỏa, hút khô, làm mát, hệ thống cứu sinh…
Anh Trần Văn Tùng, nhân viên Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho hay, trước đây, khi chưa có tàu tuần tra, đơn vị phải phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng huyện Lý Sơn đi tuần tra định kỳ hoặc đột xuất (khi có tin báo của người dân). Được hỗ trợ phương tiện, Ban quản lý có thể chủ động lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi xâm hại đến rạn san hô và các loài thủy sinh trong phạm vi Khu bảo tồn.
Anh Tùng cho biết thêm, hiện nay, số lượng tàu giã cào và tàu hành nghề lặn sử dụng thuốc nổ xâm phạm Khu bảo tồn biển Lý Sơn gia tăng, phần lớn ở đất liền ra. Các tàu này hoạt động khá tinh vi nên khó phát hiện. Ban quản lý đã xử lý 50 trường hợp vi phạm, chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền, vận động chủ tàu chấp hành đúng quy định trong quá trình khai thác và nâng cao nhận thức về bảo tồn biển.
Khu bảo tồn biển Lý Sơn đi vào hoạt động từ tháng 2/2017. Đây là Khu bảo tồn biển thứ 10 trong cả nước được thành lập. Phạm vi Khu bảo tồn được thiết kế quy hoạch bao trùm toàn bộ huyện đảo Lý Sơn với tổng diện tích hơn 7.900 ha gồm cả phần đất trên đảo và phần biển. Tổng vốn thực hiện dự án hơn 36,4 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn triển khai từ năm 2016 đến 2020.
Khu bảo tồn biển Lý Sơn nằm trong danh mục 16 khu bảo tồn biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; đồng thời, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản.