Một góc khu bảo tồn biển Lý Sơn. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN |
Thiếu kinh phí, không thẩm quyền xử lý vi phạm
Việt Nam có 10/16 khu bảo tồn biển được quy hoạch. Các khu bảo tồn biển đang được quản lý bởi nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau. Ba khu bảo tồn biển trực thuộc quản lý của UBND tỉnh hoặc thành phố (Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Vịnh Hạ Long); 3 khu trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Hòn Cau, Phú Quốc, Cồn Cỏ) và 3 khu là vườn quốc gia có vùng biển và trực thuộc UBND tỉnh (Núi Chúa, Côn Đảo và Bái Tử Long).
Cát Bà là Vườn quốc gia có vùng biển và trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có chức năng quản lý trực tiếp các khu bảo tồn biển. Tất cả các khu bảo tồn biển đều tiến hành tuần tra trên biển, trừ Vườn Quốc gia Cát Bà nhưng Ban quản lý khu bảo tồn biển lại không có thẩm quyền để thực thi luật pháp. Khi xảy ra các trường hợp vi phạm, Ban quản lý phải thông báo cho các cơ quan chức năng khác đến để xử lý vi phạm. Điều này khó tránh khỏi việc gây ra chậm trễ và xử lý không hiệu quả các vụ vi phạm.
Đồng thời, ngân sách của tất cả các khu bảo tồn biển đều được cấp từ ngân sách của địa phương. Các Vườn Quốc gia cũng được nhận ngân sách hỗ trợ từ trung ương để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, không có một khu bảo tồn biển nào có đủ ngân sách để tiến hành những hoạt động quản lý cần thiết. Và ngân sách của địa phương cấp thường chỉ được phép sử dụng cho một số mục đích cụ thể nhất định, không được phép điều chỉnh linh hoạt.
Phần lớn cán bộ quản lý các khu bảo tồn biển cho rằng du lịch là một nguồn thu tài chính bền vững đầy hứa hẹn nhưng trên thực tế, chỉ có một số khu bảo tồn biển có nguồn thu trực tiếp từ du lịch (như Nha Trang, Hạ Long, Cù Lao Chàm, Côn Đảo). Ví dụ, tại Hạ Long, Ban quản lý chỉ nhận được 18% doanh thu từ phí thăm quan còn phần còn lại do UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý.
Hơn nữa, tất cả các khu bảo tồn biển đều thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về sinh học biển; đa số cán bộ chỉ được đào tạo về lâm nghiệp. Thực tế tại Việt Nam cũng không có một chương trình đào tạo đại học nào về sinh học biển dẫn tới thiếu hụt lớn về trình độ chuyên môn, trừ Vườn quốc gia Côn Đảo có các chương trình nghiên cứu và quan trắc về đa dạng sinh học (san hô, cỏ biển và rùa biển), còn lại không có khu bảo tồn biển nào tiến hành các nghiên cứu hay quan trắc chuyên sâu.
Hiện phần lớn các khu bảo tồn biển đều thiếu các cơ sở vật chất thiết yếu, đặc biệt là tàu và thiết bị lặn để tiến hành nghiên cứu, thậm chí họ cũng thiếu những thiết bị tối thiểu nhất cho khảo sát thực địa. Cùng với việc thiếu ngân sách, thiếu thiết bị sẽ dẫn tới việc thực thi luật pháp và giám sát kém hiệu quả, thậm chí là không thực hiện tại các khu bảo tồn biển.
Ngoài ra chưa có một quy định nào từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các khu bảo tồn biển bắt buộc phải xây dựng kế hoạch quản lý. Những khu bảo tồn biển có kế hoạch quản lý (vịnh Hạ Long, Cù Lao Chàm, Nha Trang, Cồn Cỏ) là do nhận được hỗ trợ từ các dự án, cũng không có một đánh giá hiệu quả quản lý nào được đưa ra làm cơ sở lập kế hoạch quản lý. Do vậy, không có một quy trình đánh giá, điều chỉnh nào được thực hiện và không có sự liên hệ trực tiếp giữa thách thức, cơ hội và những hoạt động dự kiến thực hiện.
Hoàn thiện hệ thống văn bản luật Bãi Tiên, một trong những điểm đến hoang sơ và đẹp của đảo Hòn Cau. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, trong năm 2017, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn biển để đưa vào nội dung sửa đổi Luật Thủy sản. Cùng với quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản, Bộ cũng tiến hành nghiên cứu tham mưu nội dung sửa đổi Nghị định số 57/2008/NĐ-CP và các văn bản khác nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật liên quan đến công tác bảo tồn biển nói riêng và bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nói chung.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai quy hoạch chi tiết 2 khu bảo tồn biển Cô Tô và Đảo Trần. Đây là 2 khu bảo tồn biển thuộc danh mục các khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg chưa được quy hoạch chi tiết; phối hợp với các tỉnh để hoàn thiện hồ sơ đối với các khu bảo tồn biển đã quy hoạch chi tiết để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập.
Đồng thời rà soát lại quy hoạch các khu bảo tồn biển đã đi vào hoạt động, điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp và thống nhất với hệ thống chung. Trên cơ sở số liệu điều tra thuộc Đề án 47, hoàn thiện báo cáo đề xuất thêm một số vùng biển có tiềm năng bảo tồn để quy hoạch thành các khu bảo tồn, bổ sung vào hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm tăng diện tích các vùng biển có tiềm năng bảo tồn vào quản lý.
Bộ đã xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cho đầu tư xây dựng một khu bảo tồn biển cấp quốc gia và một khu bảo tồn biển cấp tỉnh; Thông tư hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn thành lập và quản lý các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển.
Tăng cường công tác truyền thông về bảo tồn biển; Phối hợp với các Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF)... tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về công tác bảo tồn biển cho cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Triển khai các đợt truyền thông sâu rộng đến cộng đồng để giúp người dân địa phương hiểu và ủng hộ công tác bảo tồn biển. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý khu bảo tồn biển để tuyên truyền đến cộng đồng.
Tuy vậy, Việt Nam cần mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực bảo tồn biển; mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn biển để tìm kiếm sự giúp đỡ về kỹ thuật và các nguồn tài chính cho công tác bảo tồn biển. Tổ chức các đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm tại các nước trong khu vực và trên thế giới để tăng cường hiểu biết và quan hệ hỗ trợ trong công tác bảo tồn biển.
Thực hiện tốt đồng quản lý trong công tác quản lý khu bảo tồn biển và xây dựng các mô hình đồng quản lý nhằm chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi giữa các bên liên quan trong công tác quản lý bảo tồn biển. Từng bước cải thiện sinh kế cho cộng đồng, cải thiện môi trường bên trong các khu bảo tồn biển và thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính bền vững cho hoạt động của các khu bảo tồn biển.
Bài cuối: Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước