Thách thức trong phát triển bền vững
Tỉnh Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với 32.785 ha, sản lượng đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng và mã cơ sở đóng gói sầu riêng được tỉnh quan tâm thực hiện, với 68 vùng trồng (khoảng 2.521 ha) và 23 cơ sở đã được cấp mã số. Tỉnh có 147 vùng trồng sầu riêng (3.500 ha) và 3 cơ sở đóng gói đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra phê duyệt mã số. Đến nay, tỉnh có 2 huyện xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu sầu riêng thành công là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M’Gar”.
Tuy nhiên, trong phát triển ngành hàng sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk gặp những khó khăn, thách thức như vùng sản xuất sầu riêng nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu, yếu về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu. Việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không duy trì chất lượng, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hoá trước khi xuất khẩu. Tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; “tranh mua, tranh bán”, chốt giá sớm, “bẻ cọc” hợp đồng... dẫn đến khó phát triển ngành hàng bền vững.
Theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) Nguyễn Hữu Chiến, tỉnh đã có những thành công trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, nhưng vẫn còn nhiều lo âu, trăn trở. Mùa vụ sầu riêng 2024, cần tạo ra làn ranh giữa lô hàng sản xuất theo quy chuẩn, có kiểm soát với lô hàng sản xuất không theo quy chuẩn, như vậy lô hàng sầu riêng có chất lượng sẽ có chỗ đứng riêng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có ưu đãi đối với những vùng trồng đã được cấp mã số, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết. Để hạn chế tình trạng “tranh mua, tranh bán”, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ lưỡng về giá, giữ ổn định giá “thật” cho thị trường, tránh để tình trạng người dân chạy theo giá cả, giá xuống thì “ghim hàng”, làm quả sầu riêng rụng dẫn đến giảm chất lượng và chất lượng không đồng đều.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Phan Hoàng Lâm cho biết, để phát triển sầu riêng bền vững, huyện tập trung xây dựng và giữ vững mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; xây dựng thương hiệu “Sầu riêng Krông Búk”; tạo các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ. Để chuẩn bị tốt cho mùa vụ sầu riêng 2024, huyện đã xây dựng kế hoạch thu hái sầu riêng; kiểm soát tình hình xây dựng kho, bãi sầu riêng; khuyến cáo người dân có trách nhiệm, đồng hành và chia sẻ với những đơn vị, doanh nghiệp uy tín đã liên kết từ trước. Doanh nghiệp từ địa phương khác đến thu mua sầu riêng phải đăng ký với chính quyền địa phương.
Vụ sầu riêng 2023 tại Đắk Lắk là vụ sầu riêng “đắng” đối với nhiều doanh nghiệp, thương lái vì thua lỗ. Để mùa vụ sầu riêng 2024 mang lại hiệu quả cao, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm Nguyễn Thị Thái Thanh cho biết, đơn vị sẽ giảm sản lượng thu mua, chú trọng vào chất lượng hơn bằng cách hợp tác, liên kết với những vùng trồng, hợp tác xã uy tín.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh đề xuất, các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp, có chế tài quản lý chất lượng vùng trồng để doanh nghiệp mạnh dạn đến thu mua và chế tài trong quá trình mua bán tại các vùng trồng.
Mặt khác, nhận xét về sự nhiễu loạn của thị trường sầu riêng năm 2023 tại Đắk Lắk, theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, việc chốt giá sầu riêng sớm mang lại nhiều rủi ro, thậm chí là “quả đắng” cho doanh nghiệp. Sự biến đổi cực đoan của thời tiết sẽ dẫn đến khó kiểm soát mùa vụ. Từ thời điểm ra hoa, đậu trái đến thu hoạch sẽ kéo dài 3 tháng, vậy doanh nghiệp sẽ phải gánh lãi khoản chi phí đã bỏ ra để chốt vườn và không lường trước được những sự cố sẽ xảy ra. Do đó, gần ngày thu hoạch, doanh nghiệp đến đánh giá vườn và tỷ lệ quả rồi chốt để đạt kết quả cao, rủi ro thấp. Đồng thời, bà Thanh mong muốn, các doanh nghiệp sẽ có chính sách kinh doanh, chính sách thu mua hợp lý, tránh dẫn đến những “làn sóng giả” về giá. “Sự đoàn kết luôn luôn mang lại kết quả tốt cho ngành hàng” - bà Thanh nhấn mạnh.
Liên kết sản xuất thực chất
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu, đến năm 2025, ổn định diện tích sầu riêng trên 22.000 ha, sản lượng trên 225.000 tấn; mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh sử dụng các giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch; xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, nhân giống sầu riêng phục vụ sản xuất; gắn phát triển vùng sản xuất tập trung với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm…
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Lê Anh Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho ngành hàng sầu riêng. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, Hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Đắk Lắk. Đồng thời để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, cần đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các bên trong chuỗi liên kết; xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng; test mẫu trước khi thu hoạch; kiểm tra vùng trồng và năng lực của các cơ sở đóng gói để sàng lọc rủi ro. Trong số đó, test mẫu trước khi thu hoạch là yêu cầu tất yếu, giúp người dân chứng minh được năng lực hàng hóa, đảm bảo quyền lợi chung cho nông dân và doanh nghiệp, giảm gian lận trong sản xuất và kinh doanh sầu riêng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương phân tích, năm 2023 - sau 1 năm xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt trên 2,2 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, chưa có ngành hàng nào trong thời gian ngắn có thể đạt được. Để tận dụng cơ hội và phát triển ngành hàng sầu riêng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như làm tốt xây dựng vùng trồng theo hướng tập trung, ngăn ngừa việc phát triển diện tích tràn lan; xây dựng mã số vùng trồng, tuân thủ các quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm; tổ chức chuỗi liên kết sản xuất thực chất; tạo điều kiện phát triển chế biến sâu, đa dạng sản phẩm từ sầu riêng. Tỉnh sẽ sớm hoàn thiện Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã mất nhiều thời gian và công sức để trái sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để ngành hàng này phát triển lâu dài, các địa phương phải duy trì được sự tuân thủ đối với các quy định của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng uy tín ngành hàng sẽ giúp mở rộng thị trường, các địa phương cần chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, cùng chia sẻ lợi nhuận để thúc đẩy phát triển ngành hàng sầu riêng.
Ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh, trong quá trình xuất khẩu, xuất hiện những trường hợp vi phạm và nhận cảnh báo của nước nhập khẩu. Khi nhận được thông báo, quan trọng nhất phải phối hợp xác định nguyên nhân của các vi phạm để có giải pháp khắc phục, bổ sung thêm biện pháp kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu, tránh lặp lại những vi phạm.
Cùng với đó, để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm ở tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hóa; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, gian lận mã số; ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng dữ liệu tập trung; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự như thợ cắt sầu riêng, kỹ thuật viên. Một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các nhân tố trong ngành hàng, tránh “tham bát bỏ mâm”, “bất tín” làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng tỷ đô này.