Đây là những mục tiêu không hề dễ dàng trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chủ động thích ứng để vượt qua những thách thức trên con đường đầy chông gai này.
Nhiều thách thức
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quý I/2024, toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu được gần 10 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mới đây, xung đột địa chính trị thế giới lại tiếp tục có những diễn biến bất ổn mới. Điều này cho thấy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay và hướng đến được mục tiêu phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng GDP của thị trường Mỹ và EU - hai thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng dệt may của Việt Nam có sự cải thiện, tăng trưởng khoảng 2%. Các đơn hàng bắt đầu trở về với doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm. Thậm chí, có một số doanh nghiệp phải tìm thêm đối tác để gia công cho họ.
Đây là tín hiệu lạc quan để các doanh nghiệp dệt may hy vọng tình hình xuất khẩu năm 2024 có thể sáng sủa hơn so với năm 2023 nhưng với điều kiện là chiến tranh không nổ ra thêm ở một địa điểm nào khác. Vì nếu chiến tranh tiếp tục nổ ra ở địa điểm mới, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Cùng quan điểm, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với thị trường dệt may hiện nay là xung đột địa chính trị và chính sách lãi suất của các thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ và EU.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài dai dẳng từ năm 2022 đến nay. Cuộc xung đột Israel - Hamas hiện đã lan sang Israel - Iran khiến khu vực Trung Đông tiềm ẩn rủi ro lớn về chiến tranh lan rộng. Cuộc xung đột trên Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải biển tăng gấp 2,5 lần.
Trong khi đó, lãi suất vay tiêu dùng ở Mỹ còn rất cao. Chỉ khi nào lãi suất ở thị trường tiêu dùng hạ, tâm lý và hành động mua sắm người tiêu dùng được cải thiện, khi đó tình hình xuất khẩu dệt may mới có thể đạt được như kỳ vọng. Ông Vương Đức Anh dự báo, tổng cầu dệt may thế giới năm nay khoảng 737 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so với năm 2023. Tổng cầu có sự hồi phục nhưng chưa trở lại được mức đỉnh cao trước đại dịch COVID-19 và năm 2021 - năm mua sắm trở lại sau đại dịch và vẫn thấp hơn con số 757 tỷ USD của năm 2022.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may còn phải đối mặt với áp lực chi phí đầu vào tăng. Dự báo giá điện năm nay sẽ tiếp tục tăng, giá dầu và giá cước vận tải biến động khó lường do bất ổn địa chính trị. Tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định, Việt Nam hiện không còn được coi là nước có lao động giá rẻ nữa. Tiền công lao động của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc. Tại TP Hồ Chí Minh, nếu trả lương cho công nhân dưới 10 triệu đồng/tháng thì không ai làm.
Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may còn phải chịu áp lực lớn từ quy định liên quan đến phát triển bền vững của thị trường tiêu thụ. Theo ông Vương Đức Anh, trong năm 2023, EU - thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai của Việt Nam đã phê chuẩn 11 quy định về phát triển bền vững. Mỹ - thị trường chiếm đến 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam cũng đưa ra một số quy định tương tự như EU mặc dù không mạnh mẽ và nhiều như EU.
Trong khi đó, các đối thủ của dệt may Việt Nam vẫn đang cạnh tranh quyết liệt. Ông Đinh Quốc Duy - Trưởng bộ phận đánh giá của Công ty TNHH IDFL Việt Nam - đơn vị chuyên đánh giá và chứng nhận các tiêu chuẩn về vật liệu dệt may cho biết, 4 quốc gia đối thủ của dệt may Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ đang có số lượng công ty sở hữu chứng nhận vật liệu tái chế, vật liệu hữu cơ lớn hơn Việt Nam; trong đó, Trung Quốc có đến hơn 25.000 công ty đang sở hữu chứng nhận tiêu chuẩn tái chế toàn cầu (GRS).
Ông Chu Mạnh Quân - Chuyên gia tư vấn Công ty cổ phần Đầu tư Anfazi - đơn vị chuyên tư vấn quản trị tài sản trí tuệ cho biết, từ năm 2018 đến nay, số lượng đơn sáng chế về công nghệ tái chế dệt may bắt đầu tăng cao. Trung Quốc vẫn là nước đang sở hữu bằng sáng chế nhiều nhất, chiếm 66%; tiếp đó là Nhật Bản 11%, Mỹ 7%.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng về gần nơi tiêu thụ hơn nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng do các xung đột địa chính trị cũng đang là sức ép đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo ông Chu Mạnh Quân, trong cuộc khảo sát hàng năm của McKinsey với giám đốc nhân viên thu mua, hơn 75% số được hỏi ở Bắc Mỹ cho biết sẽ tăng nguồn cung ứng từ Trung Mỹ, trong khi hơn 35% dự kiến tăng thị phần từ Mexico; 85% số được hỏi ở Tây Âu cho biết sẽ tăng nguồn cung từ trong nước, tiếp theo là Đông Âu và Bắc Phi.
Thương hiệu Mango của Tây Ban Nha cho biết sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc và Bồ Đào Nha. Thương hiệu Steve Madden của Mỹ đã chuyển một nửa số sản phẩm sản xuất ở Việt Nam sang Brazil và Mexico vào năm 2021.
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Mặc dù áp lực cạnh tranh và thách thức là không nhỏ, nhưng Việt Nam vẫn đang là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, kể từ khi Việt Nam ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư vào phần cung thiếu hụt như: nhà máy sợi, nhà máy vải để có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, hưởng ưu đãi thuế từ các thị trường FTA.
Đáng chú ý có Tập đoàn Texhong đầu tư nhà máy sợi công suất 2,5 triệu cọc sợi. Tập đoàn New Wide đầu tư nhà máy sản xuất vải và công ty Bros Eastern đầu tư nhà máy sợi màu Brotex ở Khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh với hơn 1 triệu cọc sợi. Công ty Shundao đầu tư tại Long An 4 nhà máy sợi công suất 50.000 tấn sợi/năm và 2 nhà máy nhuộm công suất 20.000 tấn/năm.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas cho biết, mới đây, Tập đoàn Weixing đã khánh thành nhà máy nguyên phụ liệu may mặc SAB tại Thanh Hóa. Sản lượng hàng hóa ước tính khoảng 100 triệu USD/năm. Đây được xem là nhà máy hiện đại nhất thế giới hiện nay với tiêu chí nhà máy xanh, tự động hóa, giảm khí thải nhà kính… Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam đã khởi công xây dựng Nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Nam Định, trị giá hơn 6 triệu USD; công suất trung bình 16,5 triệu m/năm.
Ông Du Duy - Giám đốc quản lý và phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Cát Tường, chủ đầu tư Khu công nghiệp dệt may Rạng đông cho biết, tập đoàn xây dựng khu công nghiệp theo mô hình phát thải carbon thấp. Mục tiêu là xây dựng chuỗi cung ứng dệt may bền vững, biến miền Bắc Việt Nam thành trung tâm thời trang và sản xuất vải của khu vực.
Những tín hiệu trên cho thấy tầm, vị thế và lực hấp dẫn của Việt Nam, thu hút được hàng loạt các nhà sản xuất nguyên phụ liệu hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam với công nghệ xanh, hiện đại. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, cơ cấu ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn còn mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất. Khoảng 60% doanh nghiệp làm về may mặc, 17% sản xuất xơ sợi, 14% sản xuất vải, 5% sản xuất nguyên phụ liệu, 2% sản xuất khăn và 2% sản xuất khác. Hai khâu ở đầu và cuối chuỗi là sợi và may có quy mô phát triển rất lớn, trong khi dệt và nhuộm vẫn là nút thắt trong nhiều năm qua của dệt may.
Hạ tầng cho khâu dệt nhuộm và sản xuất vải còn hạn chế. Một số địa phương còn từ chối các dự án dệt nhuộm, do cho rằng ngành này gây ô nhiễm, dù nhà đầu tư khẳng định sẽ sử dụng công nghệ xử lý hiện đại, không tác động xấu đến môi trường. Do vậy, để tận dụng được giá trị gia tăng cao từ các FTA thế hệ mới, việc đầu tư vào phần cung thiếu hụt ngành dệt may đang là một nhu cầu bức thiết của ngành dệt may Việt Nam.
Bài cuối: Chủ động thích ứng