Đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án nhưng các dự án đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo như: điện mặt trời, điện gió... triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Vì vậy, ưu tiên tín dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong phát triển năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng hết sức quan trọng.
Ưu tiên tín dụng
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng. Hiện nay, các chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những thành công bước đầu.
Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính tới thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.
Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện, vì vậy cần ưu tiên tín dụng cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đầu tư mà còn tích cực tham gia thực hiện dự án như: Tư vấn thiết kế, quản lý dự án; Sản xuất thiết bị, cung cấp vật tư; Xây dựng, lắp đặt và Vận hành. Bên cạnh việc đầu tư nguồn điện, các doanh nghiệp tư nhân còn tích cực đầu tư các dự án lưới điện như: Trạm biến áp và đường dây phục vụ đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Giám đốc Trung tâm phát triển giải pháp tài chính khách hàng, Ngân hàng Vietinbank cho biết: Thời gian qua, Vietinbank đã tài trợ hàng trăm dự án lớn, nhỏ, đa dạng thuộc ngành điện: Thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời... Đồng thời, hợp tác với các cơ quan tài chính quốc tế như: Công ty tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... để tài trợ cho ngành điện, đảm bảo sử dụng tài nguyên hiện quả, phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt, ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, chủ động xây dựng chính sách ưu tiên tài trợ các dự án năng lượng công nghệ cao, đa dạng về hình thức cấp tín dụng như: Tài trợ dự án, đầu tư trái phiếu, bảo lãnh, LC (thư tín dụng ngân hàng)... Tuy nhiên, trong việc cấp tín dụng đối với đầu tư tư nhân khó khăn do doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài mà không có tài sản thế chấp, kinh nghiệm hoạt động chưa có do doanh nghiệp đầu tư lần đầu... Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ, dành cơ chế ưu đãi hỗ trợ thuế/phí... cho các nhà đầu tư tư nhân cũng như phối hợp với ngân hàng trong quá trình doanh nghiệp triển khai dự án xanh, dự án năng lượng công nghệ cao của ngành năng lượng.
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng. Các chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng đến nay cho thấy phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những thành công bước đầu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Tại diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020" mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Giai đoạn vừa qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh trong các ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu nhưng cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn nhiều bất cập; nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu; việc nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp và ngành năng lượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững, ngành năng lượng cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển công nghệ và nội địa hóa công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực năng lượng.
Những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều đã chứng kiến sự ô nhiễm môi trường trầm trọng do việc sử dụng các dạng năng lượng truyền thống như: Than, dầu, khí, thủy điện... gây ra. Bên cạnh đó, các dạng năng lượng truyền thống có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng càng ngày càng cạn kiệt; thủy điện cũng bị suy giảm do biến đổi khí hậu làm khô kiệt nguồn nước. Vì vậy, hiện nay, thế giới cũng như Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững năng lượng cho tương lai.
Trong xu thế toàn cầu, ngành năng lượng Việt Nam từng bước đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các hoạt động từ đầu tư xây dựng, quản lý, đến vận hành... hướng đến hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững ngành năng lượng. Đối với ngành năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cần đẩy mạnh nghiên cứu, sử dụng và phát triển, làm chủ công nghệ mới hoặc lựa chọn công nghệ "ưu việt" trong quá trình đầu tư phát triển ngành năng lượng.
Đặc biệt, cần ứng dụng mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả công nghệ số, công nghệ thông tin và các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Công nghệ IoT (vạn vật kết nối), AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (dữ liệu lớn), Cloud computing (điện toán đám mây), Blockchain (công nghệ chuỗi khối)... vào mọi hoạt động từ quản trị doanh nghiệp đến sản xuất kinh doanh
Trước thực tế các dạng năng lượng truyền thống có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và càng ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển năng lượng, đặc biệt phát triển các dạng năng lượng tái tạo như: gió, mặt trời, hydrogen... là xu thế tất yếu nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định, bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững năng lượng quốc gia.
Bài cuối: Tăng cường hợp tác quốc tế