Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay chính sách xã hội tại Bắc Ninh

Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh, các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo… đã trở thành nguồn lực quan trọng, hỗ trợ cho nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi, các mô hình khởi nghiệp được “chắp cánh”, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có điều kiện làm giàu trên chính quê hương. 

Chú thích ảnh
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Vươn lên thoát nghèo

Xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách, đặc biệt cho vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhà ở cho hộ nghèo…

Điển hình, được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, gia đình anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn Nghi An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành đầu tư sắm máy cày, máy cắt lúa, máy sát gạo phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Không chỉ được hỗ trợ vốn vay, anh Nam còn được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà tại nhà nên đàn gà phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Đến nay, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 130 đến 150 triệu đồng/năm.

Tương tự gia đình anh Nam, anh Nguyễn Đức An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, việc phát triển kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Theo đó, anh Nam đầu tư nuôi các loại gia súc, gia cầm, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Được người thân giới thiệu chương trình cho vay hộ nghèo của ngân hàng chính sách xã hội, anh An mạnh dạn phát triển kinh tế mô hình vườn ao chuồng, nuôi hơn 400 con vịt, thả cá và trồng các loại cây ăn quả với diện tích hơn 1 ha. Mỗi năm, trừ chi phí chăn nuôi, anh thu về khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Thuân, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, theo thống kê, dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo… tính đến hết tháng 6/2019 trên địa bàn huyện đạt trên 343 tỷ đồng với trên 15.000 hộ dư nợ. Để đảm bảo hoạt động tín dụng gắn bó với người dân, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Thành đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi... cho các hộ vay với 18/18 điểm giao dịch tại xã, thị trấn. Bên cạnh công tác giao dịch, tổ giao dịch còn trực tiếp giao ban với chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và triển khai các chương trình phục vụ người dân.

Đồng hành cùng khởi nghiệp

Bên cạnh các chương trình cho vay hộ nghèo, đề án hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp và phương án cho vay phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp bằng nguồn vốn vay chính sách xã hội bước đầu mang lại hiệu quả. Sau hơn 1 năm thực hiện, chương trình đã giúp 119 dự án phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, phát huy hiệu quả với tổng số vốn 78 tỷ đồng.

Chị Trần Ngọc Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh cho biết, trường thành lập từ năm 2011 với 3 cơ sở, thu hút hơn 300 học sinh theo học. Để phục vụ nhu cầu dạy và học, chị Mai mong muốn có vốn khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, phát triển mô hình giáo dục theo phương pháp hiện đại. Tuy nhiên, với lớp truyền thống, chị chỉ cần đầu tư 30-40 triệu đồng/lớp nhưng cần từ 250 đến 300 triệu đồng/lớp áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại.

"Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn bởi các ngân hàng thương mại thường đưa ra lãi suất cao, đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực giáo dục không mang lại lợi nhuận sớm. Ngay khi biết đến nguồn vốn vay khởi nghiệp do Hội hiệp Phụ nữ giới thiệu, ước mơ của tôi đã kịp thời được 'chắp cánh'", chị Mai tâm sự.

Theo đó, năm 2018, chị Mai được cho vay 2 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm. Với lãi suất thấp, chị Mai mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, chuyên môn, chuẩn hóa điều kiện lớp học, tiếp tục duy trì và xoay vòng vốn. Đến nay, cơ sở mầm non của chị Mai tạo việc làm cho 35 giáo viên và 8 nhân viên với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Công nghệ môi trường E-tech của chị Hoàng Thị Thúy, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh thành lập từ năm 2013, chuyên tư vấn môi trường, quan trắc môi trường lao động, cung cấp hồ sơ cấp phép về môi trường, sức khỏe an toàn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp các khu công nghiệp.

Mô hình khởi nghiệp của chị Thúy được cho vay vốn khởi nghiệp thanh niên 2 tỷ đồng từ đầu năm 2019. Ngay sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, chị Thúy đã đầu tư phòng thí nghiệm riêng, làm việc trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, không cần thông qua phòng thí nghiệm trung gian để phân tích khả năng lấy mẫu phân tích 265 thông số quan trắc môi trường định kỳ. Đến nay, công ty của chị Thúy có doanh số thu về hàng năm đạt gần 30 tỷ đồng, tạo điều kiện việc làm cho gần 60 nhân viên với mức thu nhập từ 6 đến 18 triệu đồng/người/năm.

“Với những ưu điểm của nguồn vốn xã hội, tôi mong muốn tăng mức cho vay trong việc hỗ trợ cải tạo, mua sắm với các mô hình khởi nghiệp lên mức cho vay cao hơn, có thể đề xuất lên tới 5-10 tỷ đồng/lượt và thời gian vay linh động, kéo dài hơn, khoảng 10 đến 12 năm. Như vậy, các mô hình có thêm điều kiện quay vòng vốn, tạo lợi nhuận, phát triển mô hình khởi nghiệp bền vững”, chị Thúy nói thêm.

Hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng

Trong 5 năm (2014 - 2019), vốn tín dụng chính sách tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng cho gần 101.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Từ đó, hơn 15.000 hộ vượt qua ngưỡng thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,42% còn 1,62%, hộ cận nghèo từ 3,6% xuống còn 2,17%. Bên cạnh đó, nguồn vốn giúp trên 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho gần trên 6.000 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm... Số vốn thu hồi nợ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng.

Theo ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thấp hơn bình quân chung cả nước, cơ bản vốn vay sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, theo đúng phương châm “ở đâu có người nghèo và đối tượng chính sách ở đó có ngân hàng chính sách xã hội”. Mục tiêu dư nợ tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,5%/tổng dư nợ. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Đàm Lê Văn, công tác tín dụng còn bộc lộ nhiều hạn chế như một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn có lúc hiệu quả chưa cao, chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, ổn định. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng địa phương còn hạn hẹp (chiếm tỷ trọng 7,15% so với tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh) trong khi đó, nhu cầu vốn của người dân lớn.

Chú thích ảnh
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội, hiện gia đình anh Phạm Tuấn Hùng (ngoài cùng bên trái) đang sở hữu căn hộ ở khu chung cư Cát Tường ECO (Bắc Ninh). Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Ngoài ra, việc thực hiện một số nội dung ủy thác của một số tổ chức chính trị xã hội cấp xã có nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, chưa thực hiện được đầy đủ các nội dung được ủy thác dẫn đến hiệu quả chưa cao. Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm chưa được gắn kết... dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ông Đàm Lê Văn cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tiếp tục duy trì và đổi mới chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời, cho vay đúng đối tượng, thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay...

Diệp Trương (TTXVN)
Cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay
Cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN