Số liệu thống kê của Cơ quan Bảo hiểm thất nghiệp Pháp (Unédic) cho thấy thâm hụt quỹ bảo hiểm tại đây trong năm ngoái ước tính lên tới 4,4 tỷ euro (4,83 tỷ USD). Con số này năm nay có thể giảm xuống còn 3,3 tỷ euro (3,62 tỷ USD) do tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp ở mức cao kéo dài trong 8 năm qua đã khiến quỹ trên hiện nợ tới 25,8 tỷ euro và nhiều khả năng sẽ lên đến 29,4 tỷ euro vào cuối năm nay.
Trong năm ngoái, số người thất nghiệp toàn thời gian tại Pháp đã tăng lên đến 3,59 triệu người và nếu tính cả các tỉnh hải ngoại, con số này thậm chí còn ở mức cao kỷ lục với 3,85 triệu người. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp năm 2015 tăng 2,6%, song mức tăng này chỉ bằng một nửa so với mức tăng 5,7% trong năm 2014.
Theo quy định của Pháp, các mức trợ cấp và bồi thường thất nghiệp được ấn định trên cơ sở có sự thống nhất giữa đại diện của giới chủ và người lao động. Thời gian qua, Chính phủ Pháp đã gây áp lực lên các bên liên quan yêu cầu phải cải cách những quy định về hỗ trợ và bồi thường. Tổng thống Pháp François Hollande đã tái khẳng định Pháp là quốc gia châu Âu nơi người tìm việc làm được hưởng hỗ trợ thất nghiệp với thời gian dài nhất. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri và Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin đều đã đề cập đến việc xem xét khả năng giảm trợ cấp cho người thất nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm này đã vấp lại sự phản đối kịch liệt phản đối của các tổ chức công đoàn.
Tại các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế cho thỏa thuận cũ sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới, giới chủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cũng như khuyến khích người lao động sớm quay trở lại làm việc. Họ còn lập luận rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp chỉ giảm nhẹ trong năm 2016 thì việc giảm mức hỗ trợ là điều không thể tránh khỏi nhằm đảm bảo tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn đã bày tỏ lo ngại quyền lợi của người lao động có nguy cơ bị bó hẹp lại.