Nhà máy Xử lý rác thải - Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động hơn 2 năm nay đã giúp giảm ô nhiễm môi trường do rác thải ở thành phố Yên Bái và một số huyện lân cận. Với công suất thiết kế có thể xử lý 150 tấn rác/ngày, toàn bộ rác thải tại thành phố Yên Bái và các huyện lân cận đã được thu gom, vận chuyển về nhà máy để phân loại, xử lý, làm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Nhưng, thực tế hiện nay nhà máy này vẫn chưa hoạt động hết công suất, lượng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh được sản xuất và đưa ra tiêu thụ đạt thấp.
Công nhân phân loại rác để xử lý. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Mỗi năm, nhà máy này có thể sản xuất từ 1.500 - 2.000 tấn phân hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu rác hữu cơ được xử lý. Song, hiện nay lượng tiêu thụ sản phẩm phân hữu cơ vi sinh do nhà máy này sản xuất chỉ đạt 40-50%. Đầu ra khó khăn, thị trường tiêu thụ chậm đang là bài toán lớn đặt ra, thách thức sự tồn tại của nhà máy vốn từng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến lớn trong sự kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường của tỉnh Yên Bái.
Ông Trần Đình Bính, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành cho biết, đến nay, công ty vẫn đang phải tự vận động để tìm cách tháo gỡ các khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.
Theo ông Bính, dù phân hữu cơ vi sinh của nhà máy sản xuất ra đạt chất lượng và đã được công nhận tiêu chuẩn, giá thành so sánh cũng rẻ hơn, song do người dân vẫn quen sử dụng phân vô cơ nên lượng tiêu thụ phân hữu cơ vi sinh của nhà máy hiện nay rất chậm. Để giải quyết vấn đề trước khi nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Yên Bái, nhà máy đang chủ động triển khai các mô hình nông nghiệp sử dụng phân hữu cơ vi sinh tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn… để người dân thấy được hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh đối với môi trường và tác dụng bền vững trong sản xuất.
Cùng với đó, nhà máy cũng tìm cách tiếp tục giảm giá thành sản phẩm và có chính sách cho nông dân nợ tiền mua phân cho tới vụ thu hoạch nhằm kích cầu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, nếu được tỉnh Yên Bái có các biện pháp hỗ trợ trong bao tiêu sản phẩm như cam kết khi kêu gọi đầu tư, sẽ tháo gỡ rất nhiều những khó khăn cho nhà máy hiện nay. Từ đó nhân rộng được mô hình xử lý rác bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Trước khi nhà máy này đi vào hoạt động, rác thải ở Yên Bái chỉ được thu gom và chôn lấp, khi quá tải các đơn vị đem đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường và đã xảy ra tình trạng, người dân khiếu kiện nhiều lần... Điển hình là bãi rác Tuần Quán thuộc phường Yên Ninh thành phố Yên Bái, hay bãi rác thị trấn Yên Bình huyện Yên Bình... Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải và giao toàn bộ việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố Yên Bái và một số vùng lân cận cho nhà máy đảm nhiệm, đồng thời cam kết hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm từ rác, nhất là phân hữu cơ vi sinh.
Hiện nay, đã không còn xảy ra tình trạng ô nhiễm như trước. Rác từ địa bàn các khu dân cư được thu gom theo quy trình không tiếp đất, vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng đến nhà máy. Tại đây, bộ phận kỹ thuật sẽ phun các chế phẩm vi sinh phân hủy, vi sinh khử mùi, sau đó được chuyển đến hệ thống tách lựa để phân loại. Rác sau khi xử lý được tận dụng làm các nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cải tạo đất nông nghiệp và hạt nhựa.
Trong Nghị quyết số 10/NQ-HĐND, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nhà máy xử lý rác này theo quy định của pháp luật. Tỉnh Yên Bái đánh giá cao việc nhà máy đã xử lý rác khá triệt để, tận dụng tối đa rác làm nguyên liệu, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, xử lý rác, đáp ứng được yêu cầu và đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình ở một số huyện, thị khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, với những khó khăn như hiện nay trong tiêu thụ sản phẩm, việc nhân rộng mô hình song song lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội bền vững với bảo vệ môi trường một cách hiệu quả sẽ còn nhiều trắc trở.