Bộ Xây dựng cho biết hiện đã nhận được nhiều phản ánh của cả người dân, ngân hàng lẫn doanh nghiệp về các thủ tục hành chính liên quan đến việc xác nhận hộ khẩu, thực trạng nhà ở, chuyển đổi công năng dự án... trong phục vụ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Hiện các thủ tục xác nhận dành cho đối tượng mua nhà thu nhập thấp đã rõ ràng nhưng vướng mắc lại tới với hộ dân mua nhà thương mại có diện tích không quá 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Một góc khu tái định cư Nam Trung Yên. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Theo quy định, để được vay vốn, các đối tượng này cũng phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân (UBND) xã (phường) nơi họ có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cho biết, khi đi làm thủ tục này, họ đã bị UBND xã (phường) nơi họ có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ chối thực hiện xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở. Việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân vì theo quy định họ sẽ không còn đủ điều kiện để được vay vốn hỗ trợ nhà ở từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng kêu ca về việc chậm triển khai, phê duyệt chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội tại địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và tiến độ thực hiện dự án.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã (phường) tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD. Quan điểm là không để trường hợp người dân đến nhưng không được xác nhận mà không có lý do - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định.
Theo đó, UBND xã (phường) phải có trách nhiệm xác nhận thực trạng nhà ở (số thành viên trong hộ gia đình và diện tích nhà ở) tại địa chỉ mà người xin xác nhận có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống tại đó. Người đứng đơn xin xác nhận về thực trạng nhà ở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu đã có nhà ở khác trong địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở mà người đứng đơn muốn vay vốn để thuê, mua nhà ở.
Để nhanh chóng bổ sung quỹ nhà ở phục vụ người có thu nhập thấp, các địa phương cần ban hành những quy định cụ thể nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội theo quy định.
Thu Hằng