Với quan điểm lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm khi xây dựng, thực hiện các chính sách, trong những năm qua Ban Chỉ đạo Tây Nguyên luôn coi trọng công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào về đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... Nhân dịp Xuân mới 2015, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trả lời phỏng vấn báo Tin Tức về vấn đề này.Thưa đồng chí, thời gian qua, cùng với chính sách chung phát triển miền núi trong cả nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên như: Hỗ trợ đồng bào về đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... Xin đồng chí đánh giá kết quả của các chính sách đó trong phạm vi toàn vùng Tây Nguyên? Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc. Trước hết là chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt... cho hộ đồng bào DTTS nghèo được triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay thông qua các chương trình như: 132, 134, 154, 167, 1592 và gần đây là Quyết định số 755/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính chung tất cả các chương trình, đề án đã thực hiện, toàn vùng đã giải quyết trên 56.000 ha đất ở và đất sản xuất cho hơn 95.000 hộ; cấp nước sinh hoạt cho 120.000 hộ; hỗ trợ làm mới, sửa chữa khoảng 140.000 căn nhà.
Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. |
Về cơ bản, đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách trước mắt về đất đai, nhà ở trong vùng DTTS. Tuy vậy, qua rà soát lại hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thì toàn vùng hiện vẫn còn 30.744 hộ với diện tích cần giải quyết là 11.792 ha; trong đó đất ở 10.080 hộ/407 ha (bình quân 404 m2/hộ), đất sản xuất 20.664 hộ/11.385 ha (bình quân 5.509 m2/hộ). Các tỉnh Tây Nguyên xác định đây là một trong những công tác trọng tâm cấp bách phải tập trung giải quyết trong năm 2015 và những năm tới.
Song song với giải quyết đất đai, nhà ở, nước sinh hoạt, Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp cũng hết sức quan tâm hỗ trợ đặc thù cho công tác giảm nghèo bằng nhiều nguồn lực và triển khai liên tục, rộng khắp. Bên cạnh nguồn vốn chủ yếu từ Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Chính phủ, đồng bào DTTS nghèo ở Tây Nguyên còn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhất là vốn vay từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Các tỉnh đã tập trung huy động tối đa sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong việc giúp đỡ đồng bào DTTS ở các xã nghèo, thôn buôn nghèo, thông qua phong trào tương trợ, kết nghĩa, vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ và nhân dân ở những nơi có điều kiện khá hơn đóng góp tiền của, hỗ trợ về cây, con giống, vật tư, máy móc nông cụ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho những nơi khó khăn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Tính trung bình mỗi năm huy động từ tất cả các nguồn khoảng trên 1.200 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho công tác giảm nghèo ở Tây Nguyên.
Cùng với hỗ trợ về vốn, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, hạ tầng, tập quán của người dân ở từng buôn làng; hình thành mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào trồng trọt, chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, thời vụ; hướng dẫn sử dụng giống mới, phân bón, làm thủy lợi tưới cho cây trồng, chế biến thức ăn gia súc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...
Ngành nông nghiệp đã đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao vào các buôn làng để thay thế dần các cây con truyền thống năng suất thấp. Xây dựng mô hình liên kết làm ăn với doanh nghiệp trên cơ sở đất đai, lao động của dân và sự đầu tư về vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn đã đóng vai trò "bà đỡ" cho các buôn làng trong việc tiếp nhận lao động, xây dựng mô hình canh tác; đầu xây dựng đường sá, trạm, trại, hệ thống đại lý cung cấp dịch vụ, vật tư sản xuất, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được tiếp cận với các các dịch vụ sản xuất, thị trường.
Chính nhờ những chủ trương, chính sách hỗ trợ đặc thù nói trên, sản xuất và đời sống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên không ngừng chuyển biến. Trong 10 năm gần đây, mỗi năm xoá được trên 4,3% số hộ nghèo là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo DTTS hiện còn khoảng 22,74%. Hơn một nửa số buôn, làng từ nghèo đói đã vươn lên khá và trung bình. Hệ thống đường giao thông, điện nông thôn, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, chợ, các công trình cấp nước sinh hoạt, bưu điện văn hóa... được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, trên 90% số buôn làng có điện lưới quốc gia, có nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng; khoảng 65% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đây có thể coi là một trong những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước, trong năm 2015 và những năm tiếp theo cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì?Để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững thì có rất nhiều vấn đề phải quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tập trung phát huy lợi thế về đất đai, đưa nông, lâm nghiệp phát triển theo chiều sâu, đa dạng hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhanh chóng chuyển tăng trưởng từ số lượng sang tăng trưởng về giá trị cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn chế biến nông, lâm sản dựa vào các sản phẩm chủ lực.
Đầu tư mở rộng mạng lưới nhà máy chế biến cao su, cà phê theo hướng hiện đại, đạt tầm khu vực và quốc tế. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên môi tường; tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định 686/QĐ - TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 30 - NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm sớm tái cơ cấu, củng cố và phát triển các công ty lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng và xem đây là động lực của sự phát triển. Trước hết là đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, phát triển các công trình thuỷ lợi để nâng tỷ lệ diện tích tưới tiêu. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, phát huy vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá của các thành phố, thị xã, thị trấn.
Trước mắt, năm 2015 cần quan tâm chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh và các dự án giao thông quan trọng đã và đang triển khai tại các địa phương; đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi; đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, rà soát tu bổ các hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ đập; ban hành danh mục các dự án tưới tiên tiến phục vụ tưới cây công nghiệp. Tiếp tục nhân rộng mô hình thuỷ lợi nhỏ, phân bổ theo mạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi núi chia cắt, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh.
Về mặt xã hội, cần phải xác định quan điểm lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm khi xây dựng, thực hiện các chính sách. Các dân tộc thiểu số đã hy sinh rất nhiều cho cách mạng, đóng góp nhiều vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và ổn định, phát triển vùng Tây Nguyên từ sau năm 1975 đến nay.
Do đó, trong chính sách đối với Tây Nguyên sắp tới phải coi sự ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của toàn vùng và là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Cần phải có quan điểm, chính sách, giải pháp đúng đắn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào; coi trọng tính đặc thù, đặc điểm, tâm lý, phong tục, tập quán dân tộc khi giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; bảo đảm cho tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện văn hóa và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nông hộ và tập thể, mở mang các ngành nghề phi nông nghiệp với sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước để từng bước đưa sản xuất thoát ra khỏi tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, hòa nhập vào kinh tế thị trường. Tập trung giải quyết đất đai, đôn đốc thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định 755/QĐ - TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phải làm thật tốt công tác tuyên truyền giáo dục; tập trung nâng cao trình độ dân trí, năng lực quản lý xã hội và kỹ năng phát triển kinh tế cho cán bộ và đồng bào các dân tộc.
Ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS; xây dựng đời sống văn hóa và nâng mức hưởng thụ văn hóa của người dân; tăng cường phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm chuyển biến nhận thức của đồng bào trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Làm thế nào để không ngừng khơi dậy ý thức đoàn kết, tính tích cực, chủ động của đồng bào trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng buôn làng.
Tây Nguyên với tài nguyên đất và rừng đặc biệt quan trọng cần phải được bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường, duy trì nguồn nước. Cần tăng cường công tác bảo vệ và phát triển diện tích rừng với vai trò của các lâm trường, công ty lâm nghiệp và đặc biệt nâng cao vai trò của đồng bào DTTS và cộng đồng trong việc phát triển và bảo vệ rừng. Công tác an ninh quốc phòng cần tiếp tục được chú trọng duy trì sự ổn định an ninh, chính trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội cũng như duy trì hoà bình và ổn định, môi trường thân thiện trong khu vực và với các nước láng giềng Lào và Campuchia.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!Chí Bình(thực hiện)